Quảng Ngãi: Đường hơn chục nghìn tỷ phải… đi nhờ trên đất của dân

Đã gần một năm kể từ ngày hàng chục nghìn mét khối đất đá trên núi cao đổ ập xuống vùi lấp tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đến nay con đường có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.000 tỷ đồng này vẫn đang phải “chạy” nhờ trên đất của dân.

Đã gần một năm kể từ ngày hàng chục nghìn mét khối đất đá trên núi cao đổ ập xuống vùi lấp tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đến nay con đường có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.000 tỷ đồng này vẫn đang phải “chạy” nhờ trên đất của dân.

Đây là tuyến đường huyết mạch, giúp lưu thông hàng hóa, nông, lâm sản của người dân

Có mặt tại tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn thuộc xóm Làng Chay, thôn Mang Tu Là, xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây vào chiều ngày 26/8, chúng tôi ghi nhận khoảng hơn 100m của tuyến đường huyết mạch này đã bị “nuốt chửng” hoàn toàn bởi hàng chục nghìn mét khối đất và đá. Những rọ đá để gia cố tatuy đường trước kia cũng bị đất đá dồn đống lại, vùi lấp và hư hỏng hoàn toàn. Việc lưu thông qua tuyến đường bị chặn đứng, tất cả phương tiện và người tham gia giao thông phải “đi ké” con đường tạm cách đó chừng 50m băng qua vườn của một số hộ dân.

Trên con đường tạm gồ ghề, dốc và lởm chởm đá, trong vòng chưa đầy 30 phút có đến hàng chục lượt xe tải chuyên chở hàng hóa, nông sản, lâm sản và xe ôtô cá nhân cùng hàng nghìn lượt xe máy của người dân phải “bò” từ từ qua con đường này. Khi có xe từ hướng trên đỉnh dốc xuống, nhiều xe lưu thông hướng ngược lại phải đứng dưới dốc chờ chứ không dám đi cùng vì sợ nguy hiểm. Dù muốn hay không thì người dân vẫn phải lưu thông qua con đường tạm này, vì đây là tuyến đường độc đạo nối huyện miền núi Sơn Tây với hai tỉnh Quảng Nam và Kontum.

Hiện tại người dân vẫn phải “đi nhờ” trên phần đất của dân.

Thấy chúng tôi đứng ghi hình dưới chân dốc, tài xế xe tải Nguyễn Thanh Tuấn (ở huyện Sơn Hà) lúc này chở một xe gỗ keo đầy đang thả dốc phải thò đầu ra cabin hô vọng “Tránh đi chỗ khác chứ ở đó nguy hiểm lắm, không cẩn thận mất thắng là xe đổ nhào xuống dưới”. Theo lái xe Tuấn thì vị trí đường tạm này có độ dốc lớn, mặt đường hẹp lại chỉ được đổ một lớp đất lẫn đá dăm sơ sài, hơn nữa lưu lượng xe qua lại mỗi ngày lớn nên đây luôn là nỗi ám ảnh của anh và các đồng nghiệp mỗi khi đi qua, nhất là những ngày mưa.

Theo UBND huyện Sơn Tây thì mùa mưa năm 2020, địa điểm trên xảy ra vụ sạt lở khiến một quả đồi đổ xuống vùi lấp một đoạn hơn 100m của tuyến đường Trường Sơn Đông. Ngay khi vụ sạt lở xảy ra, để giao thông không bị chia cắt, chính quyền huyện Sơn Tây cùng với các đơn vị liên quan đã vận động ba hộ dân “cho mượn” gần 2.000m2 đất trồng keo, mì để mở một con đường tạm phía bên trái, cách vị trí sạt lở chừng 50m để đảm bảo giao thông khẩn cấp qua đoạn sạt lở.

Tuyến đường cũ đã bị chia cắt hoàn toàn.

Anh Nguyễn Ngọc An – Một trong ba hộ dân cho địa phương “mượn” đất để làm đường tạm cho biết, lúc đầu chính quyền hỏi mượn tạm đất trồng keo và mì của gia đình anh để làm đường tạm cho dân đi trong một tháng, anh đồng ý liền. Hơn nữa, lúc làm đường anh cũng tích cực hỗ trợ chỉ mong sao sớm có đường để bà con đi lại. “Hồi đó nói vậy mà giờ gần cả năm rồi vẫn không thấy cán bộ trả đất cho nhà mình. Cả gia đình mình chỉ trông chờ vào đám đất này để có cái ăn, không có nó nhà mình khổ lắm”. Anh An bộc bạch.

Trước việc không được trả đất để canh tác đúng hẹn, anh An đã đến xã, huyện để “xin” lại đất, nhưng do ngoài vị trí trên thì cơ quan chức năng không có phương án nào khác để bố trí đường tạm cho dân lưu thông, nên địa phương lại động viên gia đình anh cố gắng… chờ, đồng thời hứa sẽ có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng để sớm có hướng giải quyết.

Do không “đòi’ được đất, cộng với cảnh nhà khó khăn nên có lần anh An đã giăng dây chặn không cho xe qua lại khu vực này, khiến việc lưu thông qua tuyến đường bị ngưng trệ. Vụ việc chỉ được giải quyết và người dân vẫn có đường tạm để đi khi chính quyền địa phương xuống tận nơi vận đồng, đồng thời lên phương án hỗ trợ thời gian không canh tác được với những hộ dân này trong thời gian 24 tháng.

Theo UBND huyện Sơn Tây thì vị trí sạt lở có khối lượng rất lớn, hơn nữa ngoài khối lượng đất, đá đã sạt xuống thì vẫn còn một khối lượng rất lớn đất lẫn đá ở phía trên có khả năng sạt xuống bất cứ lúc nào. Vậy nên, phương án đào và vận chuyển đất, đá để khắc phục sạt lở là không khả thi, theo các cơ quan chuyên môn thì phương án chỉnh tuyến về phía trái cách điểm sạt lở chừng 100m là khả dĩ nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Trân – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, đến thời điểm này Dự án đường Trường Sơn Đông qua huyện Sơn Tây vẫn chưa hoàn thành và bàn giao nên thẩm quyền quyết định vẫn thuộc chủ đầu tư và đơn vị thi công. “Cả chính quyền địa phương và người dân đều đang mong mỏi sớm có một giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm vấn đề này”. Ông Trân nói.

Dự án đường Trường Sơn Đông qua huyện Sơn Tây có chiều dài khoảng 37km, do Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Do công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông quá chậm nên UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, UBND huyện Sơn Tây đã nhiều lần gửi văn bản cho Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Quốc phòng để yêu cầu khắc phục, nhưng đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết.

Đường Trường Sơn Đông là công trình được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2006 và phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2011 với tổng mức đầu tư trên 10.015 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 671km, trong đó tận dụng 42km đường cũ, có 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng, 125 cầu các loại... Quy mô chủ yếu là đường cấp IV miền núi. Tuyến đường này chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ Quảng Nam, tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng.

Việc đi lại trên con đường tạm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Ngoài giá trị về an ninh quốc phòng, tuyến đường Trường Sơn Đông còn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, phòng chống thiên tai cho các vùng sâu, vùng xa có tuyến đường này đi qua.

Mục đích và ý nghĩa của công trình đường Trường Sơn Đông là rất rõ, những năm qua người dân các huyện miền núi đã hưởng lợi rất lớn từ công trình chục nghìn tỷ này. Thế nhưng, một mùa mưa nữa lại cận kề và người dân huyện miền núi Sơn Tây lại phải thấp thỏm, lo âu đồng thời đánh cược sinh mạng của mình mỗi khi đi qua điểm sạt lở này. Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương có biện pháp khắc phục để việc lưu thông qua tuyến đường của người dân được an toàn, thuận lợi đồng thời giúp người dân vùng sâu vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24