Ngày 7/5/2021, ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn ký Báo cáo số 90/BC-UBND gửi UBND thị xã Điện Bàn về việc cho chủ trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn thị xã.
Theo đó, trong nhiều vướng mắc, tồn tại, đáng chú ý là vấn đề về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân vốn đã gây nhiều bức xúc trong phía nhân dân thị xã Điện Bàn lâu nay.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trong Quý 1/2021, thị xã Điện Bàn nhận gần 6.538 bộ hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai, trong khi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của thị xã hiện nay chỉ có 30 người, và thị xã chưa có cơ sở dữ liệu đất đai.
Hiện nay, tỷ lệ trễ hạn hồ sơ đất đai của thị xã còn cao, nguyên nhân chủ yếu là vì nguồn lực tại thị xã Điện Bàn còn rất thấp (con người, dữ liệu thông tin, trang thiết bị). Đồng thời, cán bộ xử lý hồ sơ còn phải sao lục hồ sơ, truy tìm dữ liệu biến động đất đai một cách thủ công, dẫn đến chậm tiến độ.
Minh chứng cho vấn đề này, hiện nay, mỗi ngày Bộ phận TN&TKQ thị xã tiếp nhận bình quân 120 hồ sơ lĩnh vực đất đai. Số lượng viên chức, nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tham gia trực tiếp đứng điểm, giải quyết hồ sơ là 13 người; tiếp nhận và trả kết quả hồ 10 sơ tại Bộ phận TN&TKQ là 4 người.
Như vậy mỗi ngày làm việc, 1 cán bộ Chi nhánh VPĐK phải hoàn thiện, bàn giao kết quả 8 hồ sơ cho Bộ phận TN&TKQ thị xã mới đảm bảo yêu cầu. Việc này là không thể so với quy định, trình tự hiện nay. Trong khi, với 1 ngày làm việc, 1 cán bộ Chi nhánh VPĐK chỉ có thể hoàn thiện, bàn giao kết quả tối đa 4 hồ sơ cho Bộ phận TN&TKQ thị xã.
Bên cạnh đó, vì không đủ nhân lực để giải quyết hồ sơ, nên việc nhận 120 - 130 bộ hồ sơ mỗi ngày tại Bộ phận TN&TKQ cũng gây bức xúc trong nhân dân. Để được xử lý trong ngày, người dân phải đến bộ phận một cửa từ rất sớm (từ 2h sáng), hoặc có những trường hợp phải qua đêm trước cổng của trụ sở.
Bên cạnh đó, việc trễ hạn hồ sơ đất đai tại thị xã còn xuất phát từ nguyên nhân, hồ sơ địa chính trên địa bàn thị xã được lập quá lâu (từ năm 1994) và chưa cập nhật bằng dữ liệu số, dẫn đến khi kiểm tra, xử lý hồ sơ, cán bộ đứng điểm phải truy lục thông tin biến động vì thực tế, rất nhiều hồ sơ có sự khác nhau giữa hồ sơ địa chính và thực tế sử dụng đất.
Ngoài ra, việc chậm trễ tại thủ tục Cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất là do, theo quy trình 3031 của tỉnh chỉ có 7 ngày để xử lý, trong khi một bộ hồ sơ như vậy phải xử lý qua nhiều khâu, nhiều ngành; vận chuyển vào thành phố Tam Kỳ bằng đường Bưu điện (để có thư đảm bảo). Riêng đối với thị xã Điện Bàn, con số này bình quân ở mức trên 90% trễ hạn.
Chưa hết, liên quan đến các hồ sơ trễ hạn lâu là do phần lớn vướng mắc ở các cơ chế, chính sách thay đổi, hoặc hồ sơ phức tạp, cần phải làm rõ nhiều thông tin. Khi được dữ liệu hóa hồ sơ đất đai thì các hồ sơ này sẽ dễ dàng hơn.
Từ thực tiễn nêu trên, thị xã Điện Bàn đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: