Khu tái Định cư bản Sa Ná (bản bị xóa sổ trong trận lũ kinh hoàng năm 2019) đã được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống đi vào ổn định
Quan Sơn là huyện miền núi cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá, vùng đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là người dân tộc Thái, Mường và Mông sinh sống. Đặc biệt đây còn là địa phươngthường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét. Bằng các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện miền núi biên giới Quan Sơn đã huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một huyện miền núi nghèo, địa hình hiểm trở, chia cắt, Quan Sơn xác định huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
5 năm qua (2015-2020), bằng các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Quan Sơn đã huy động 1.059,94 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, huyện đã đầu tư xây dựng 320 công trình, trong đó có 65 công trình giao thông; 43 công trình văn hóa; 23 công trình y tế; 75 công trình giáo dục; 40 công trình nông nghiệp; 74 công trình dân dụng - công nghiệp. Hiện, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được cứng hóa 66,3%; 96% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 96% số hộ được dùng điện lưới quốc gia...
Thực tế, các công trình được đầu tư tập trung, không dàn trải, manh mún nên nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong huyện.
Vì Quan Sơn là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Đồng thời địa bàn rộng, bị chia cắt bởi đồi núi nên dẫn đến việc phát sinh chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông trong quá trình thi công. Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Vượt lên trên những thách thức ấy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo và nhân dân, kinh tế của huyện những năm gần đây vẫn có mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 13,73%, cao hơn bình quân chung của tỉnh và nhiều huyện khu vực miền núi.
Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn xác định mục tiêu là tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực và kêu gọi đầu tư để cải thiện kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn, các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng đã được giao vốn; lựa chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, đảm bảo thi công đúng thời hạn quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư...
Đặc biệt huyện Quan Sơn cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện vùng phụ cận. Đồng thời, địa phương cần lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Quan Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ kêu gọi, xúc tiến đầu tư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tranh thủ nguồn lực đầu tư của tỉnh và doanh nghiệp cho thực hiện các quy hoạch ở huyện Quan Sơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: