Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc Hội vừa thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang (trước đây là huyện Phú Quốc ). Đây là niềm vui của người dân Phú Quốc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nói chung và của tập thể lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc nói riêng.
Phú Quốc trở thành thành phố - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam - không chỉ tạo điều kiện để thúc đầy kinh tế - xã hội Phú Quốc phát triển mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng là thể hiện chủ quyền biển đảo.
Khi Phú Quốc lên thành phố sẽ là cơ hội tốt nhất để hòn đảo xinh đẹp này tiếp tục phát triển, nhất là ngành du lịch
Theo ông Hưng, từ chính quyền cấp huyện, Phú Quốc được nâng tầm lên thành phố biển đảo, do đó sẽ có nhiều chính sách được thực hiện của một chính quyền đô thị như: công tác nhân sự, công tác tổ chức chính quyền, ban ngành, đoàn thể,... Tất cả sự thay đổi đó, nhằm giúp Phú Quốc phát triển hơn nữa.
Lãnh đạo huyện Phú Quốc cũng nhận ra rằng, khi Phú Quốc trở thành thành phố, vị thế của hòn đảo xinh đẹp nằm ở vùng biển Tây Nam của tổ quốc sẽ được nâng tầm. Tính cạnh tranh về điểm đến du lịch sẽ được lan tỏa mạnh mẽ và đây là cơ hội để Phú Quốc giới thiệu mình với bạn bè quốc tế.
Nhiều người lo ngại, Phú Quốc lên thành phố, cơn sốt đất và tình trạng phân lô, xây dựng trái phép sẽ tái diễn?
Khi Phú Quốc lên thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ nóng lên sau một thời gian dài "ngủ đông". Nhiều người lo ngại tình trạng phân lô, bán nền, xẻ đất nông nghiệp sẽ tái diễn; tình trạng xây dựng những khu dân cư không phép, trái phép mọc lên…
Đối với vấn đề này, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo vấn đề "nóng" này, trước hết là cần thực hiện đúng quy hoạch. Việc phân lô, tách thửa phải thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Kiên quyết xử lý những trình trạng xây dựng trái phép, không phép.
Đây là 1 trong 8 căn biệt thự mini ở xã Dương Tơ vừa bị cơ quan chức năng Phú Quốc tổ chức cưỡng chế đập bỏ vì xây dựng trên đất Nhà nước quản lý
Lãnh đạo huyện Phú Quốc cũng cho biết, thời gian qua, sau khi có ý kiến kết luận, chỉ đạo của các sở, ngành, UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép, bao chiếm đất công, đất dự án… huyện Phú Quốc đã mở hàng chục đợt cưỡng chế các công trình sai phạm. Do đó, việc xử lý sai phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng là không có vùng cấm.
Ông Hưng khuyến cáo, khi người dân có nhu cầu chuyển nhượng đất đai cần liên hệ chính quyền các xã, thị trấn, phòng đô thị, phòng quản lý Tài nguyên - Môi trường, Ban quản lý khu kinh tế để biết rõ về quy hoạch (mặc dù quy hoạch đã được công khai) để tránh những rủi ro xảy ra.
Một giám đốc công ty đầu tư bất động sản ở Phú Quốc cho biết, khi thông tin Phú Quốc lên thành phố, thị trường bất động sản đã ấm lên. Tuy nhiên, các giao dịch vẫn chưa thể thực hiện vì hiện nay việc phân lô, tách thửa vẫn chưa được huyện Phú Quốc cho phép rộng rãi.
Từ ngày 15-16/12, Đội trật tự đô thị huyện Phú Quốc (Kiên Giang) phối hợp với UBND xã Dương Tơ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 8 căn nhà xây không phép trên một khu đất ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Đây là đất do Nhà nước quản lý, khi lực lượng chức năng kiểm tra không có người đứng ra nhận là chủ các công trình. 8 căn nhà không chủ nêu trên được xây dựng bằng bê tông cốt thép, xây theo kiểu biệt thự mini, đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, đã được quét vôi, lát gạch men, có tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài tháo dỡ nhà, lực lượng chức năng còn phá bỏ 800m đường bê tông (ngang 6m) vào khu dân nhà trái phép này. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: