Trước năm 2010, nhờ “ăn theo” thông tin Trung tâm Hành chính Quốc gia chuyển về phía Tây, giá đất tại các khu vực ven đô phía Tây như: Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất tăng đột biến.
Có thời điểm, tại khu vực Mỹ Đình, giá đất tăng tới 300% - 400% chỉ sau vài tháng. Đồng thời, tại khu vực này kéo theo hàng loạt các dự án xây dựng hạ tầng, giao thông và các dự án bất động sản triệu đô.
Cho tới 3 năm gần đây, sau khi Hà Nội công bố hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông, như đường cao tốc, cầu vượt sông Hồng; khu vực ven đô phía Đông, bao gồm Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đã "vượt mặt" khu Tây, để trở thành “ngôi sao” sáng của thị trường BĐS Hà Nội.
Hàng loạt “ông lớn” trong ngành bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại khu vực này, số vốn đầu tư tại đây cũng đã lên tới hàng tỷ USD.
Cũng nhờ vậy, chỉ trong vòng 3 năm, giá đất tại khu Đông Hà Nội đã tăng 50%, thậm chí một số khu vực như Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Dương Xá (Gia Lâm) còn tăng gấp đôi.
Sang năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, khu Đông vẫn là tâm điểm của Hà Nội, các giao dịch tại đây luôn tấp nập kẻ bán, người mua.
Ngược lại, các khu vực khác của Hà Nội, nhất là khu vực trung tâm đang có dấu hiệu “đuối” sức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông An Tiến Hưng, nhân viên một công ty bất động sản tại Hà Nội cho rằng, do quỹ đất tại trung tâm thành phố không còn nhiều, nên các “ông lớn” trong ngành bất động sản mới tìm đến vùng ven, với quỹ đất dồi dào có thể phát triển các dự án lớn.
Đồng thời, giá đất tại vùng ven cũng thấp hơn nhiều so với trung tâm thành phố. Đó là chưa kể tới một số yếu tố như quá trình giải phóng mặt bằng đơn giản hơn,...
“Trước đây, khu Đông đa phần sinh sống bằng nông nghiệp, quỹ đất rộng. Vì vậy, trước quá trình đô thị hóa đã xuất hiện hiện tượng phân lô, bán nền tràn lan, sinh ra hiện tượng phát triển đô thị theo vết dầu loang. Điều này dấy lên lo ngại phá vỡ quy hoạch của Hà Nội”, ông Hưng nói.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, muốn phát triển Hà Nội một cách hài hòa, cần phải đẩy mạnh phát triển ra cả 4 hướng, tránh tập trung vào một điểm tránh quá tải. Ảnh minh họa: Quân Đỗ
Trong khi đó, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, hiện nay quá trình phân lô, trong thời gian dài, Hà Nội có xu hướng phát triển đô thị theo hình thức “xôi đỗ” tức là, bất kỳ vị trí nào hấp dẫn là mọi người, doanh nghiệp lại đổ dồn vào đầu tư, trong khi các khu vực khác thì chưa được quan tâm đúng mực.
Nếu quá trình này không được kiểm soát, trong thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng quá tải dân số ở một số khu vực, dẫn tới hàng loạt hệ lụy như tắc đường, ngập lụt, thiếu không gian xanh...
Sự quá tải hạ tầng, với hàng trăm chung cư, khu đô thị tại khu Tây Hà Nội chính là bằng chứng của quá trình phát triển đô thị theo hình thức “xôi đỗ”.
“Việc phát triển đô thị theo hình thức “xôi đỗ” đã khiến đô thị bị mất đi tính cân bằng, tạo ra một thành phố không hài hòa, méo mó và chắp vá”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Nếu không thực hiện theo quy hoạch dễ khiến đô thị mất tính cân bằng, tạo ra một thành phố không hài hòa. Ảnh minh họa: Quân Đỗ
Để phát triển đồng bộ, ông Nghiêm cho rằng, UBND Hà Nội, cùng Sở Xây dựng cần phải gắn quy hoạch với kế hoạch xây dựng. Trong quy hoạch thì phải phân chia ra từng giai đoạn ngắn hạn.
Đặc biệt là xác định các trọng điểm để tập trung, ví dụ như trọng điểm về ưu tiên hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên giao thông, hay là ưu tiên cái gì thì phải làm trước sau đó mới phát triển công trình.
“Nói lý thuyết là vậy, nhưng để thực hiện thì rất khó. Bởi cơ chế, chính sách hiện nay chưa hiệu quả, nhất là chính sách kêu gọi vốn đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Mỗi giai đoạn chỉ ưu tiên cho một hướng nhất định.
Vì vậy, muốn phát triển Hà Nội một cách hài hòa, cần phải đẩy mạnh phát triển ra cả 4 hướng, tránh tập trung vào một điểm”, ông Nghiêm nói thêm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: