Báo cáo chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 có nguy cơ khiến bất bình đẳng kinh tế đồng loạt gia tăng ở hầu hết các quốc gia, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ gần đây. Bất bình đẳng gia tăng đồng nghĩa với việc phải rất lâu để người nghèo trên thế giới có thể trở lại cuộc sống như trước đại dịch, lâu gấp 14 lần so với khoảng thời gian để 1.000 tỷ phú giàu nhất, chủ yếu là nam giới da trắng, khôi phục tài sản của mình.
Một khảo sát toàn cầu mới của Oxfam với 295 nhà kinh tế học đến từ 79 quốc gia cho thấy, 87% người được hỏi, bao gồm Jeffrey Sachs, Jayati Ghosh và Gabriel Zucman, dự đoán rằng bất bình đẳng thu nhập ở nước họ sẽ ‘tăng’ hoặc ‘tăng mạnh’ do hậu quả của đại dịch.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng hệ thống kinh tế bị thao túng đang cho phép tầng lớp thượng lưu siêu giàu tích lũy tài sản giữa tâm điểm của cuộc suy thoái tồi tệ nhất sau Đại Suy thoái, trong khi hàng tỷ người đang phải vật lộn để kiếm sống. Đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ về kinh tế, chủng tộc và giới vốn đã tồn tại từ lâu.
Những người giàu nhất đã vượt qua giai đoạn suy thoái. Tổng giá trị tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng thêm 500 tỷ đô-la Mỹ kể từ khi bắt đầu đại dịch - thừa khả năng trả tiền vắc-xin COVID-19 cho tất cả mọi người và đảm bảo không ai bị đẩy vào cảnh nghèo đói vì đại dịch. Đồng thời, đại dịch cũng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất trong hơn 90 năm qua, với hàng trăm triệu người hiện đang thiếu hoặc không có việc làm.
Phụ nữ tiếp tục là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề trả lương thấp và bấp bênh, vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19. Nếu tỷ lệ nam và nữ lao động trong những ngành này là tương đương nhau, 112 triệu phụ nữ sẽ không phải chịu nguy cơ cao bị mất việc làm hoặc thu nhập. Phụ nữ cũng chiếm khoảng 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và y tế toàn cầu - những công việc thiết yếu nhưng thường bị trả lương thấp, đồng thời khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Bất bình đẳng đang cướp đi mạng sống của nhiều người. Người gốc Phi ở Brazil có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn 40% so với người da trắng. Gần 22.000 người da đen và người Latinh ở Hoa Kỳ sẽ vẫn còn sống nếu tỷ lệ tử vong do COVID-19 của họ bằng với người da trắng. Tỷ lệ nhiễm bệnh lẫn tỷ lệ tử vong đều cao hơn ở những khu vực nghèo của các nước như Pháp, Ấn Độ, và Tây Ban Nha. Những vùng nghèo nhất của Anh có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao gấp đôi những vùng giàu nhất.
Kinh tế công bằng là mấu chốt cho phục hồi kinh tế nhanh sau Covid-19. Nếu đánh thuế tạm thời lên phần siêu lợi nhuận của 32 tập đoàn toàn cầu thu lợi nhiều nhất trong đại dịch, thì có thể đã huy động được 104 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2020. Số tiền này đủ để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho toàn bộ trẻ nhỏ, người già ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam International, cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng chưa từng thấy trong lịch sử. Tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus".
“Các nền kinh tế bị thao túng đang mang lại của cải cho tầng lớp thượng lưu siêu giàu, những người đang vượt qua đại dịch trong sự xa hoa, trong khi những người ở tuyến đầu - nhân viên bán hàng, nhân viên y tế và tiểu thương - đang phải vật lộn để kiếm ăn và trang trải các khoản chi phí”.
“Phụ nữ cùng những nhóm bị phân biệt chủng tộc và dân tộc thiểu số bị lề hóa đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng - họ đối mặt với nguy cơ cao bị đẩy vào cảnh nghèo đói, túng thiếu, và không được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Khối tài sản của các tỷ phú đã tăng trở lại khi thị trường chứng khoán phục hồi, bất chấp nền kinh tế thực đang tiếp tục suy thoái. Tháng 12 năm 2020, tổng giá trị tài sản của họ đạt 11,95 nghìn tỷ đô-la Mỹ, tương đương với số tiền chính phủ các nước G20 đã bỏ ra để khắc phục hậu quả của COVID-19. Trong khi đó, chặng đường phục hồi sẽ dài hơn nhiều đối với những người vốn đã chật vật từ trước COVID-19. Khi đại dịch ập đến, hơn một nửa số người lao động ở các nước nghèo phải sống trong cảnh nghèo đói, và 3/4 số người lao động trên toàn cầu không được tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội như nghỉ ốm có lương hay trợ cấp thất nghiệp.
Bà Bucher nói thêm: “Bất bình đẳng cực đoan không phải là không thể tránh khỏi, mà phụ thuộc vào lựa chọn của các chính phủ. Họ phải nắm lấy cơ hội này để xây dựng những nền kinh tế hậu COVID-19 bình đẳng hơn, bao trùm hơn, bảo vệ hành tinh và chấm dứt đói nghèo”.
“Cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và phục hồi kinh tế. Chính phủ các nước phải đảm bảo mọi người dân đều được tiêm vắc xin COVID-19 và được hỗ trợ tài chính nếu bị mất việc làm. Chính phủ phải đầu tư vào các dịch vụ công và các ngành nghề ít phát thải carbon, tạo ra hàng triệu việc làm mới và đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận với một nền giáo dục, y tế và chăm sóc xã hội tốt. Các chính phủ phải đảm bảo các cá nhân và tập đoàn giàu nhất đóng góp phần thuế cao tương xứng để chi trả cho các khoản đầu tư đó”.
“Đây không phải là những giải pháp cứu trợ tạm thời trong thời điểm tuyệt vọng, mà phải là các chính sách bền vững để những nền kinh tế ‘bình thường mới’ thực sự mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, chứ không chỉ một nhóm nhỏ đặc quyền”.
Trong tuần lễ ngày 25 tháng 1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ tổ chức hội nghị ‘Đối thoại Davos’ trực tuyến, nơi những nhà lãnh đạo chủ chốt trên toàn cầu sẽ chia sẻ quan điểm của họ về tình hình thế giới năm 2021.
Tính toán của Oxfam dựa trên các nguồn dữ liệu cập nhật và tổng quát nhất hiện nay. Số liệu về những người giàu nhất trong xã hội lấy từ Danh sách Tỷ phú năm 2020 của Forbes. Vì dữ liệu về tài sản biến động mạnh vào năm 2020, Viện Nghiên cứu Credit Suisse đã hoãn công bố báo cáo hàng năm về tài sản của nhân loại đến mùa xuân năm 2021. Do đó, chúng tôi không thể so sánh tài sản của các tỷ phú với tài sản của những người nghèo nhất nhân loại như những năm trước.
Theo Forbes, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tổng giá trị tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng 540 tỷ đô-la Mỹ kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2020. 10 người giàu nhất thế giới được kể tên là: Jeff Bezos, Elon Musk, Bernard Arnault và gia đình, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Larry Ellison, Warren Buffett, Zhong Shanshan, Larry Page, và Mukesh Ambani.
Những ghi chép lịch sử lâu đời nhất về xu hướng bất bình đẳng là các hồ sơ thuế có từ đầu thế kỷ 20.
Ngân hàng Thế giới đã lập mô hình tính toán tác động của việc bất bình đẳng gia tăng cùng lúc ở hầu hết tất cả các quốc gia sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với tình trạng đói nghèo toàn cầu. Kết quả cho thấy nếu bất bình đẳng (được đo bằng hệ số Gini) tăng 2 điểm phần trăm mỗi năm và tăng trưởng GDP bình quân đầu người toàn cầu giảm 8%, thì sẽ có thêm 501 triệu người vẫn phải sống với chưa đầy 5,5 đô-la Mỹ mỗi ngày vào năm 2030, so với trường hợp bất bình đẳng không gia tăng. Khi đó, mức độ nghèo đói toàn cầu năm 2030 sẽ cao hơn mức trước đại dịch, với 3,4 tỷ người vẫn sống với mức dưới 5,5 đô-la Mỹ mỗi ngày. Đây là tình huống xấu nhất mà Ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, các dự báo về sự thu hẹp kinh tế ở hầu hết các nước đang phát triển đều phù hợp với kịch bản này.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (tháng 10 năm 2020), kịch bản xấu nhất theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là GDP sẽ không quay về mức trước khủng hoảng cho đến cuối năm 2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo nếu không hành động ngay, điều này sẽ khiến bất bình đẳng gia tăng dài hạn.
Oxfam tính toán rằng số phụ nữ có nguy cơ mất việc làm hoặc mất nguồn thu nhập sẽ giảm đi ít nhất 112 triệu người nếu nam giới và phụ nữ có tỉ lệ ngang nhau trong các ngành nghề lương thấp và bấp bênh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19, dựa trên bản tóm tắt chính sách của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 7 năm 2020.
Tất cả số tiền đều được tính bằng đơn vị đô-la Mỹ.
Oxfam là một phần thuộc Liên minh Chống Bất bình đẳng (Fight Inequality Alliance), một liên minh toàn cầu đang ngày càng lớn mạnh của các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động — những người đang tổ chức cuộc Biểu tình Toàn cầu Chống Bất bình đẳng từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 1 tại khoảng 30 quốc gia, bao gồm Kenya, Mexico, Na Uy và Philippines, để thúc đẩy giải pháp cho bất bình đẳng và đòi hỏi về một nền kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: