Chiều 7/12, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp và sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực môi giới, kinh doanh bất động sản là hai nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Dẫn số liệu từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh phát hiện 305 vụ vi phạm lâm luật, khối lượng vi phạm trên 1.000m3 gỗ, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 41ha, đại biểu Dương Thị Thu Thủy, Tổ đại biểu huyện Đăk Tô đặt câu hỏi: Có hay không việc buông lỏng quản lý, tiếp tay dẫn đến các vụ vi phạm xảy ra nhiều, trở thành điểm nóng khiến cử tri và Nhân dân bức xúc? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, khi các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện, tỉnh đã xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Một vụ phá rừng ở huyện Kon Plong
Cụ thể, trong năm 2020 đã xử lý kỷ luật 29 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp buộc thôi việc, song chưa vụ việc nào phát hiện có hành vi tiếp tay, bao che vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng. Về nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn tồn tại, ông Nguyễn Tấn Liêm thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý.
“Phải thừa nhận rằng về năng lực tổ chức, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng vẫn còn hạn chế, yếu kém nên để xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép chưa được ngăn chặn kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp ở một số chính quyền cấp xã còn hạn chế.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong sản xuất nương rẫy chưa thường xuyên, chặt chẽ và quyết liệt dẫn đến tình trạng phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý hành chính, hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp một số vụ việc, vụ án chưa đồng bộ, chặt chẽ” - ông Liêm cho biết.
Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, đại biểu Thái Văn Ngọc, Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy nêu thực tế, lĩnh vực này đang bộc lộ hạn chế, bất cập làm cho thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Tình trạng đầu cơ sang nhượng đất rất phổ biến ở khu đô thị Nam Dak Bla
Đáng lo ngại là có cả một số cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tham gia vào việc môi giới, kinh doanh bất động sản. Đồng thời phổ biến tình trạng thổi giá, cố tình đưa thông tin sai sự thật để trục lợi.
Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum thừa nhận có tình trạng này và cho biết đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước. "Hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về các dự án, khu dân cư, khu đô thị với nhiều hình thức, như gọi điện thoại, tờ rơi, pa nô quảng cáo, trên các trang mạng xã hội, trang môi giới bất động sản", ông Hải nói.
"Dự án khu nhà ở thương mại không đúng sự thật, chưa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận nhưng vẫn rao bán... Các hoạt động trên gây hiểu nhầm cho người dân, khả năng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho khách hàng, cho nhà đầu tư ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Do đó ngành tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bất động sản. Sở Xây dựng đã thông tin tình hình thị trường bất động sản và đề nghị UBND các huyện, thành phố thông tin để người dân trên địa bàn được biết. Người dân cần tỉnh táo lựa chọn và cân nhắc kỹ", Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum khuyến cáo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: