Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 15 triệu tấn thép, tương đương khoảng 7,3 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2014. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) thép trong nước. Không ít DN đã “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh với thép nhập ngoại.
Theo Tổng cục Hải quan, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong năm qua chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm hơn 50%), sau đó là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Điều đáng nói, cho dù lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam năm 2015 tăng đến hơn 28% so với năm trước, giá trị nhập khẩu thép lại giảm từ 7,8 tỉ USD năm 2014 xuống còn 7,3 tỉ USD năm 2015. Điều này cho thấy, thép giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.
Nguyên nhân được xác định là do giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới giảm mạnh cộng với nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam quá lớn, ngành sản xuất thép trong nước đã giảm sút, khiến nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động. Trước sức ép thép nhập khẩu quá lớn nói trên, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã từng ra thông báo về việc tiến hành điều tra tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu do 4 Cty Việt Nam yêu cầu, gồm Cty CP Thép Hòa Phát, Cty TNHH MTV Thép Miền Nam, Cty CP Gang thép Thái Nguyên và Cty CP Thép Việt Ý. Đối với sản phẩm phôi thép, các Cty này chiếm 38,6% tổng sản lượng được sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm thép dài, các Cty này chiếm 34,2% tổng sản lượng được sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, lượng phôi thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng nhanh vào năm 2014 và 2015. Nếu như năm 2014, lượng phôi thép nhập khẩu là trên 588 nghìn tấn thì con số này đã tăng gần gấp 3 lần, lên trên 1,5 triệu tấn trong năm 2015. Trong khi đó, lượng thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 đạt gần 830 nghìn tấn và ước đạt trên 1,2 triệu tấn năm 2015.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, nếu như năm 2015, lượng bán hàng nội địa sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước chỉ tăng từ 5-10% thì lượng hàng hoá nhập khẩu đã tăng tới 150-160%. Điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng thị phần của ngành sản xuất phôi thép trong nước, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận của họ.
Lý giải cho sự chênh lệch trên, chủ đại lý thép Tuấn Cường, phố Minh Khai (Hà Nội) cho biết: Tuy thép Trung Quốc chất lượng kém so với sắt thép sản xuất trong nước, nhưng vì giá rẻ hơn 1 - 2 triệu đồng/tấn nên vẫn được thị trường tiêu thụ nhiều.
Nhiều cửa hàng kinh doanh thép trên địa bàn Hà Nội cũng thừa nhận, lượng thép cuộn phi 6 - 8 có xuất xứ từ Trung Quốc ngày đang được các nhà thầu xây dựng đặt hàng, chủ yếu sử dụng ở các công trình nhà ở dạng “chìa khóa trao tay” hoặc pha trộn tại những công trình lớn với tỷ lệ nhất định để không bị phát hiện.
Không chỉ thép cuộn, mặt hàng ống thép xuất xứ Trung Quốc cũng đã và đang tìm nhiều cách để xâm nhập thị trường Việt Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là quá lớn, tạo nhiều áp lực và khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do ngành thép của nước láng giềng này đang trong cơn khủng hoảng thừa nên họ đẩy mạnh xuất khẩu. Ước tính mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép, Nguồn thép giá rẻ từ nước này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thép trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước diễn biến này, VSA cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có các biện pháp tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép Trung Quốc sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời có giải pháp kiểm soát lượng thép Trung Quốc nhập khẩu.