Khu tái định cư Ðồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) được đưa vào sử dụng đã lâu nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính. Ảnh: THU HÀ
Khu tái định cư Ðồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) từ nhiều năm nay đã 'nổi tiếng' về tình trạng các tòa nhà xuống cấp nhanh chóng. Móng nhà bị lún nứt; các đầu hồi nhà, bậc lên xuống bị rạn nứt, đứt gãy. Tường nhà thường xuyên thấm nước, rêu mốc. Ðường ống bơm nước sạch lên bể chứa trên tầng thượng sử dụng chung với đường cung cấp nước đến các hộ dân, cho nên khi máy bơm hoạt động tạo ra áp lực nước rất lớn, gây bục vỡ tại các điểm đấu nối, phá hỏng các thiết bị... Tuy nhiên, điều khiến người dân sinh sống tại đây lo lắng nhất hiện nay chính là việc chủ đầu tư không quan tâm cuộc sống của gần ba nghìn con người trong thời gian dài.
Theo người dân phản ánh, dự án xây dựng khu tái định cư Ðồng Tàu do Ban quản lý dự án thoát nước TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Từ năm 2006, 2007, người dân bắt đầu chuyển đến sinh sống, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao nhà cho chính quyền quản lý, chưa cấp sổ đỏ cho người dân. Sau nhiều lần đề nghị, đến đầu năm 2012, Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý tòa nhà mới thông báo cho người dân làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ, trong đó yêu cầu nhiều loại giấy tờ gốc như quyết định thu hồi đất, quyết định phân nhà... Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, nhiều người không tìm được đủ giấy tờ, cho nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ. Người dân đề nghị đơn vị quản lý nhà làm việc với chủ đầu tư - đơn vị đã trực tiếp bố trí căn hộ tái định cư để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng đến nay chưa có kết quả. Do chưa có sổ đỏ cho nên các thủ tục tách, nhập hộ khẩu, đăng ký thay đổi nhân khẩu... gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều gia đình vẫn giữ nguyên hộ khẩu tại nơi ở cũ, dẫn đến tình trạng người ở một nơi, nhưng đăng ký thường trú ở địa bàn khác. Khi người dân cần xác nhận sơ yếu lý lịch, tình trạng hôn nhân... phải quay lại nơi đăng ký hộ khẩu thực hiện. Một số hộ dân có nhà tại khu tái định cư đã không ở mà cho học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh thuê lại. Tổ trưởng tổ dân phố 30C Nguyễn Viết Thắng cho biết, việc nắm nhân khẩu, hộ khẩu và di, biến động của hơn 700 người sống tại 228 căn hộ trong các tòa nhà N6, N7, N9 và N10 gặp nhiều khó khăn. Số lượng người đến ở thường xuyên thay đổi, cho nên tổ dân phố phải cập nhật sổ sách, sau đó hướng dẫn công dân ra công an phường đăng ký tạm trú, tạm vắng. Tổ dân phố tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của người dân, phần lớn liên quan chất lượng công trình, các yếu kém về hạ tầng đô thị, hay đơn giản như tình trạng mất vệ sinh, vườn hoa công cộng bị biến thành vườn rau..., chuyển đến chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết. Nhưng do công trình chưa được chủ đầu tư bàn giao cho quận Hoàng Mai, cho nên trách nhiệm cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền cơ sở chỉ có mức độ. Trong khi đó, chủ đầu tư và đơn vị quản lý nhà không quan tâm giải quyết các kiến nghị của người dân.
Ðối với khu tái định cư nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), việc quản lý hành chính tại ba tòa nhà tái định cư được đưa vào sử dụng từ năm 2010 lại gặp khó khăn do chưa thành lập được tổ dân phố. Ðại diện UBND phường Trung Hòa cho biết, do chưa có tổ dân phố cho nên các hoạt động tại cơ sở, nhất là công tác quản lý hành chính gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cảnh sát khu vực phải đảm nhiệm thêm phần việc này. Hiện tại, chính quyền đang xúc tiến việc thành lập tổ dân phố tại ba tòa nhà trên. Tuy nhiên, quy trình thành lập tổ dân phố, việc tìm người có trách nhiệm, tâm huyết với tập thể để bầu làm tổ trưởng, tổ phó dân phố và quy trình bầu tổ trưởng không hề đơn giản. Tại nhà B6B, mặc dù người dân đã bầu ra tổ dân phố lâm thời gồm ba thành viên, hoạt động từ cuối năm 2010, nhưng cho đến nay không ai muốn tiếp tục làm tổ trưởng. Bên cạnh những khó khăn do chưa thành lập tổ dân phố, chính quyền và tổ dân phố tại đây không nhận được sự hợp tác, phối hợp của đơn vị quản lý nhà trong việc thành lập ban quản trị tòa nhà, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc như tình trạng lấn chiếm diện tích công cộng làm địa điểm kinh doanh, một số hộ dân trong tòa nhà cho các công ty thuê làm văn phòng, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân...
Tại các khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, Dịch Vọng... mặc dù diện tích công cộng biến thành điểm trông giữ xe ô-tô, chợ cóc..., nhưng chính quyền lúng túng trong quản lý và xử lý vi phạm do quy hoạch các khu tái định cư thiếu cơ sở hạ tầng.
Ðể phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ các dự án, thành phố cần tạo điều kiện cho người dân thuộc diện di dời đến nơi tái định cư có điều kiện sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Vì thế, thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư dự án nhà tái định cư sớm hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bàn giao các tòa nhà cho chính quyền quản lý; xử lý nghiêm các đơn vị không quan tâm, 'bỏ rơi' người dân. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để giúp người dân ổn định cuộc sống, giải quyết nhanh chóng các kiến nghị chính đáng của nhân dân. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lồng ghép mô hình tổ dân phố với ban quản trị tòa nhà để giúp chính quyền làm tốt chức năng quản lý hành chính tại cơ sở cũng như quản lý khai thác tòa nhà hiệu quả, tránh chồng chéo hoạt động.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: