Ảnh minh họa, Nguồn: Internet
Nợ xấu đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/12/2011 nợ xấu là 3,1%, tương đương 77,03 nghìn tỷ đồng, còn tính đến ngày 30/06/2012 tỷ lệ nợ xấu là 4,47%. Tuy nhiên, theo con số chính thức NHNN công bố thì đến ngày 31/03/2012 nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã là 8,6%, tương đương 202 nghìn tỷ đồng. Trước đó, trong báo cáo của UBGSTCQG nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến 31/12/2011 vào khoảng 11,48%.
Những số liệu trên cho thấy đang có nhiều con số khác nhau về nợ xấu. Theo lý giải của Thống đốc NHNN thì nợ xấu khác nhau do cách tính khác nhau do có các tiêu chí về định tính. Ngoài ra, Thống đốc cũng thừa nhận là nhiều ngân hàng không báo cáo trung thực về tình trạng nợ xấu. Ông dẫn chứng là một số ngân hàng kết quả thanh tra cho thấy nợ xấu lên 30% thậm chí 60% và vốn chủ sở hữu đã âm nhưng vẫn báo cáo lãi và tỷ lệ nợ xấu thấp.
Xử lý nợ xấu đang là một vấn đề cấp bách hiện nay tuy nhiên đây là một công việc không hề dễ dàng. Tính từ thời điểm vấn đề tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu được đặt ra đến nay đã gần được 1 năm nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Có thể nói cho đến nay nợ xấu vẫn không hề giảm dù NHNN đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thực hiện các giải pháp “kỹ thuật” để giảm nợ xấu như tái cấu trúc nợ, giãn nợ.…
Đề án thành lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu được NHNN manh nha thực hiện vào hồi tháng 4 nhưng cho đến nay vẫn dẫm chân tại chổ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc xử lý nợ xấu không hề dễ dàng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy việc xử lý nợ xấu thường mất 3-5 năm. Đối với Việt Nam thời gian rất khó xác định vì cho đến nay nợ xấu bao nhiêu vẫn chưa có một con số đáng tin cậy nào nào. Bên cạnh đó thì phương án xử lý nợ xấu cũng chưa hề có.
Ngoài ra, Việt Nam còn có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn. Rào cản thứ nhất là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện cho việc xử lý nợ xấu. Do vậy, việc làm thủ tục phá sản, thanh lý tài sản, tái cấu trúc, hay mua bán doanh nghiệp sẽ tiến hành rất chậm và phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Yếu tố tiếp theo là nguồn lực xử lý nợ xấu ở đâu vẫn là còn là một câu hỏi lớn. Theo ước tính của các chuyên gia giả sử nợ xấu trên 10% tổng dư nợ tương đương khoảng 14 tỷ USD, thì số tiền dành cho việc xử lý này cũng phải từ 5-7 tỷ USD. Đây là một số tiền quá lớn đối với ngân sách nhà nước, hoặc vốn xã hội, thậm chí là tiền từ NHNN. Bên cạnh đó việc xử lý nợ xấu hết sức phức tạp cần đội ngũ lớn nhân lực có chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm. Trong khi đó nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm đương việc xử khối nợ xấu lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng Việt Nam vẫn đang thiếu và yếu.
Cuối cùng một rào cản vô cùng lớn đối với việc xử lý nợ xấu đó là có dám làm hay không? Để xử lý nợ xấu chắc chắn phải mất mát và trả giá. Nhiều ngân hàng tư nhân biến mất, họ sẽ tìm mọi cách để chống lại điều này. Đặc biệt, là đối với doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước xử lý nợ xấu đồng nghĩa với các khoản làm ăn thua lỗ bị phanh phui. “Quả bóng” trách nhiệm quá lớn vượt sức chịu đựng của không ít người.
Mới đây, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “Trước mắt phải tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm xuống dưới 3%”. Nếu điều này được thực hiện thì quả là một thông tin rất tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại thì đây quả thật là một nhiệm vụ bất khả thi. Nợ xấu vẫn là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất trong năm tới. Chỉ khi các nhà hoạch định chính sách có quyết tâm, sáng suốt và chấp nhận trả giá cao mới có thể xử lý được nợ xấu, tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: