“Thánh đường” gạch
Một lần trên đường công tác, khi đi qua xã Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định tôi không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện nơi đây có vô số các công trình mang kiến trúc gothic được xây bằng gạch nằm rải rác bên dòng sông Liên Cơ.
Những công trình này mang dáng dấp như các thánh đường cổ kính, kiến trúc mái vòm, nhiều tầng, nhiều ô cửa và có nóc nhà vươn cao chọc trời, trông cực kỳ đặc biệt. Nét 0độc đáo của những lò gạch này chính là ở các đường vòm được uốn cong mềm mại, cân đối.
|
Kiểu kiến trúc độc đáo của những lò gạch ở Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định |
Một số lò gạch còn phối hợp đan xen các ô vòm theo nhiều hình dạng khác nhau như hình parabol hoặc hình trái tim. Ở hai mặt hai bên phần thân lò, mỗi tầng sẽ có số ô vòm khác nhau. Tầng dưới cùng thường là 4 vòm một mặt, tầng hai là 5 và tầng 3 sẽ là 6. Kích thước của mỗi ô vòm này cũng rất linh hoạt. Đây cũng là kiểu kiến trúc phổ biến của các thánh đường Thiên chúa giáo ở Việt Nam và một số nước phương Tây.
Khó cưỡng lại sự hấp dẫn của những công trình kỳ lạ, tôi hỏi thăm một vài người dân, họ cho biết đó là kiểu kiến trúc đặc trưng, đã có từ rất lâu của những lò nung sản xuất gạch ở đất Nam Định này.
Bác Phạm Văn Ngọc, một người sinh sống tại Trực Hùng và cũng là chủ một lò gạch kỳ lạ cho biết: “Mỗi lò gạch ở đây đều được chia làm hai phần rõ rệt là lò và ống khói. Phần ống khói thường được xây hình chữ nhật ở phía trên, phía gần cuối tiếp xúc với thân lò chuyển sang hình tròn, trung bình mỗi ống khói cao khoảng 25- 30 m, để tránh nhả khói ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
|
Ống khói vươn cao 25 - 30m để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của con người |
Chiều cao của ống khói với lò bao giờ cũng được phân chia cân đối theo tỉ lệ 2/3 (lò cao bằng 2/3 ống khói). Phần mặt phía trong của ống khói thường được phủ một lớp bùn trộn than và vôi, mặt ngoài được trát bằng xi măng để chống lại sự tàn phá của mưa, nắng.
Về phần lò, người dân rất chú trọng đến độ bền lẫn hình thức bên ngoài. Lò được xây bằng hỗn hợp bùn trộn than và đất sét. Không tính phần mái vòm trên cùng thì lớp ngoài của mỗi lò gạch thường có 3 tầng. Tuy nhiên, trong lòng lò gạch lại chỉ có 2 tầng rưỡi. Tầng dưới cùng được dùng để đun củi và than, còn lớp trên dùng để chất gạch. Lòng lò cao khoảng 8 - 10m, chiều ngang bình quân là 7m.
Càng quan sát lại càng thấy được sự kỳ công, tinh diệu của những “thánh đường gạch” nơi đây. Khi tôi hỏi về “tác giả” của những lò gạch độc đáo này, bác Ngọc cho biết, chính là do những “kiến trúc sư nông dân” tự tay làm lấy, chứ cũng chả phải thuê thợ thuyền, tốn kém làm gì cả.
Để làm được xong một lò gạch kiểu như vậy cũng tốn khá nhiều thời gian, trung bình khoảng chục nhân công cùng tập trung làm thì mỗi lò phải mất tới 1 tháng mới xong. Còn ít người hơn thì có thể sẽ kéo dài gần 2 tháng. Chi phí cho mỗi lò gạch kiểu này phải mất ít nhất 70 - 100 triệu đồng...
Bản sao của nhà thờ
Bác Phạm Văn Ngọc cũng như những người dân ở vùng Trực Hùng cho tôi biết, lối kiến trúc lò gạch không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng có một điều mọi người đều khẳng định đó là, những công trình này đều bắt chước theo hình dáng của những nhà thờ.
|
Kiến trúc của các lò gạch nơi đây chính là một bản sao của kiến trúc nhà thờ |
Sở dĩ có chuyện như vậy bởi lẽ, đất Nam Định có rất nhiều người theo đạo Công giáo, ở mỗi xã đều có nhà thờ được xây theo phong cách phương tây mà điển hình là kiến trúc gothic. Nhiều chủ lò gạch cũng là người theo đạo, thế nên khi xây lò gạch họ đã tạo ra một bản sao của nhà thờ, với niềm tin mang lại sự an toàn và may mắn cho công việc làm ăn của gia đình mình. Bởi vậy, những lò gạch ở Nam Định không giống với bất cứ nơi nào.
|
Những lò gạch kỳ lạ này được người dân nơi đây gọi vui là "thánh đường tỏa khói" |
Cũng có một vài người lưu truyền nhau câu chuyện về nguồn gốc của các “thánh đường gạch” từ một người mộ đạo. Người này trong một giấc mơ, đã mơ thấy mình gặp được chúa trời trong một nhà thờ được xây hoàn toàn bằng những viên gạch đỏ hồng. Tỉnh giấc, ông ta đã tự mình xây cất một ngôi nhà bằng gạch phỏng theo hình dáng nhà thờ ngay cạnh nơi ở của mình. Một số chủ lò gạch thấy kiểu kiến trúc lạ đó rất phù hợp để xây cất những lò sản xuất gạch nung, nên đã học theo và tạo nên hàng loạt những “thánh đường tỏa khói”
|
Mỗi lò gạch được xây cất có tuổi đời khoảng 50 năm |
Một điều thú vị là đại đa số lò gạch kỳ lạ đều được người dân xây dựng dọc theo hai bên bờ sông. Cũng vì vậy nên khâu đổ móng rất được chú ý. Móng lò gạch được làm rất kiên cố theo kiểu giật cấp, vòng ngoài rộng vòng trong hẹp dần. Móng được đào sâu xuống lòng đất tới 1m, độ dày thành móng 60 - 80cm. Tất cả các móng đều được xây bằng đá xanh và xi măng. Một điều lạ là hầu hết các lò gạch này đều được làm chủ yếu bằng thủ công và không cần một bản vẽ nào hết.
Có hai loại lò thông dụng nhất ở Trực Hùng là loại lò một ống khói và hai ống khói hay còn gọi là lò đơn và lò kép. Mỗi lò được xây cất có thời gian sử dụng khả lâu, có thể sử dụng liên tục lên tới 50 năm, hầu hết mỗi chủ lò thuận lợi thì chỉ sau vài ba năm là đã có thể thu hồi đủ vốn bỏ ra để xây lò nung sản xuất gạch.
Trở gót để tiếp tục cuộc hành trình, ấy vậy mà khi đã đi một đoạn khá xa, ngoảnh đầu lại nhìn, tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng những lò gạch đang xen lẫn các nhà thờ, tạo nên một cảnh tượng thật độc đáo và kỳ lạ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: