Phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua mang tốc độ đột phá, nhưng cũng kéo theo nó nhịp điệu của bất an.
Một thời gian dài đô thị hoá trở thành cuộc làm ăn lớn, cuồng nhiệt với những con số GDP công nghiệp, GDP dịch vụ, GDP đầu người... Các thành phố từ lớn đến nhỏ đều như lên cơn sốt. Những TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương… quay quả kiến tạo và “phân phối” các cơ hội. Cả nước râm ran dự án, khắp nơi nháo nhác kiếm nhà mặt tiền. Rùng rùng các ô phố mọc nhà chọc trời. Đại công trường chỉnh trang và đô thị hóa “phân lô” không chỉ đất đai mà cũng “phân lô” cả cơ hội kiếm sống lẫn “kiếm ăn”. Khắp nơi bùng nổ đầu tư từ KCN đến căn hộ cao cấp, bùng nổ xây dựng cầu đường, cảng biển. Bùng nổ làn sóng trở thành “đại gia”. Bùng nổ trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải toả, bùng nổ ngân sách địa phương. Cũng theo đó, bùng nổ tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…
Ở thời điểm này, chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu, mới chớm vào vạch xuất phát để tạo lập một cuộc sống xanh. Thế nên, hướng đi, lựa chọn của chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc những hạn chế, tận dụng những lợi thế để phát triển. Bài học về sự “phát triển nóng” các đô thị, có thể, đã đến lúc phải “tổng kết”. Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resort; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.
Một thành phố giàu có, đầy ắp hàng hóa, đầy đủ tiện nghi, nhưng con người sống trong nó luôn cảm thấy bất an, tính mạng bị đe dọa, rủi ro cao, cuộc sống bấp bênh thì đó không thể gọi là thành phố phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào.
Thành phố bền vững phải có trật tự kỷ cương xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Nhưng bây giờ, nhìn trong sự vận động quay cuồng của các đô thị lớn, sẽ thấy những mối nguy tiềm ẩn, ngay sát mình. Ngay chính mỗi người cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên chai sạn, thậm chí là vô cảm, đó là nguy cơ, là hiểm họa… Không đâu xa, những cư dân đô thị là đối tượng dễ bị “nhiễm bẩn” nhất. Bởi vậy, để chuẩn bị đường dài cho sự thay đổi, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong ý thức người dân, tạo thành những khối thống nhất.
Các nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra rằng, ở đâu có những đổi mới về tư duy, cách nghĩ, quan tâm đến điều kiện sống của người dân, ở đó thường hướng tới các vấn đề như cải tạo, không gian đô thị xanh, các công viên và các tiện nghi công cộng.
Nhưng, nếu ý thức người dân còn mù mịt, thì lãnh đạo cũng bất lực. Mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích cá nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.