Mô hình nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà điều hành
InterContinental Hotels Group, Marriott và Accor là một trong những nhà điều hành lớn đã đưa ra hoặc đang xem xét các kế hoạch triển khai gói hội viên đóng phí hàng tháng, nhằm cố gắng thu hút khách hàng là những người làm việc từ xa sau nhiều ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.
InterContinental Singapore cho phép hội viên sử dụng khu vực làm việc 12 tiếng một ngày
Với mức giá hàng tháng dao động từ 1.100 USD ở Singapore đến 1.970 USD ở Indonesia, khách hàng của InterContinental có thể truy cập vào các không gian làm việc, phòng nghỉ và tiện ích của InterContinental theo gói hội viên “làm việc và nghỉ ngơi tại khách sạn”. Trong khi đó, Accor đang “xem xét phí đăng ký hàng tháng” khi cân nhắc đến việc chuyển đổi các phòng nghỉ thành phòng tập thể dục riêng và thậm chí là cả phòng thu âm. Về phần mình, Marriott cho biết họ sẽ công bố kế hoạch trong những tuần tới.
Nhưng các gói hội viên này không chỉ dành cho nhân viên văn phòng. Sau khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của những gã khổng lồ về dịch vụ thuê bao như Netflix, Peloton và Spotify trong suốt đại dịch, ngày càng nhiều khách sạn đang nghiên cứu tung ra các gói hội viên phù hợp để mở rộng con đường phát triển trong tương lai.
Tháng trước, tập đoàn du lịch và khách sạn hạng sang Inspirato tuyên bố họ trở thành nhà điều hành đầu tiên hoàn toàn kinh doanh dựa trên mô hình gói hội viên và đang triển khai giai đoạn tiếp theo với một mức giá thấp hơn.
Với 2.500 USD một tháng, công ty có trụ sở tại Denver này cho phép hội viên của chương trình Inspirato Pass lưu trú tại 300 khách sạn trên toàn cầu mà không phải trả thêm bất kỳ loại thuế phí nào. Trong khi đó, chương trình khác là Inspirato Club với mức phí 600 USD mỗi tháng cho phép khách hàng truy cập vào các khách sạn của nhà điều hành này với một mức thuế phí phát sinh nhất định.
Công ty cho biết không có giới hạn về thời gian lưu trú, mặc dù các hội viên của họ thường đi du lịch sáu đến tám tuần một lần và mỗi lần ở lại trung bình bốn đêm.
'Netflix của ngành khách sạn'
Các thương hiệu khách sạn xa xỉ không đơn độc trong việc tiếp cận mô hình hội viên trả phí hàng tháng.
Vào tháng 8, Selina, chuỗi khách sạn có trụ sở tại Panama cho biết họ sẽ cho thuê 50% số phòng hiện có với gói hội viên có giá khoảng 500 USD mỗi tháng. Trong khi đó, chuỗi khách sạn citizenM của Hà Lan đã tung ra hai gói hội viên cho phép khách hàng lưu trú tại 21 khách sạn của họ ở khắp New York, Paris và Amsterdam.
Với 600 USD mỗi nhân viên một tháng, gói hội viên dành cho công ty cho phép họ truy cập không giới hạn vào phòng khách, cộng với ba lần lưu trú qua đêm tại phòng nghỉ, và sử dụng phòng họp của khách sạn. Một gói dịch vụ khác có giá 1.500 USD cho phép hội viên lưu trú tới 30 ngày mỗi tháng tại các khách sạn trên toàn chuỗi.
Lennert de Jong, Giám đốc kinh doanh của citizenM, cho biết gói hội viên này hiện chỉ giới hạn cho 1.000 khách đăng ký, và được thiết kế cho nhân viên văn phòng và khách du lịch như một giải pháp thay thế cho việc thuê nơi lưu trú ở các thành phố lớn.
“Khi bạn có thể làm việc tại nhà, bạn thực sự có thể làm việc ở bất cứ đâu,” ông nói. “Chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời để trở thành Netflix của ngành khách sạn và cung cấp mức giá giới hạn cho số đêm nghỉ không hạn chế”.
Đại dịch kìm hãm số lượng hội viên
Rào cản chính đối với các nhà điều hành và chủ sở hữu khách sạn dấn thân vào các chương trình gói hội viên là hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19.
Mặc dù một số gói hội viên nhắm đến người bản địa, nhưng khả năng mở rộng của mô hình này vẫn còn rất hạn chế. Dù các khách sạn được hưởng lợi về doanh thu hàng tháng và nguồn dữ liệu khách hàng lớn hơn, lợi ích cho khách hàng của họ có thể ít hơn.
Ceridwyn King, phó giáo sư tại Trường Quản lý Thể thao, Du lịch và Khách sạn tại Đại học Temple của Philadelphia, cho biết: “Đại dịch và hạn chế đi lại đã thay đổi tâm lý của khách du lịch toàn cầu, nên khó có thể chỉ ra chính xác hiệu quả của mô hình này. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng do đại dịch có thể tiếp tục khiến hoạt động du lịch trên toàn cầu ngưng trệ chỉ sau một đêm, nên khách hàng ít có xu hướng cam kết dài hạn với một dịch vụ nào đó”.
Về phần mình, Inspirato đã phải thuyết phục các thành viên tiếp tục thanh toán vào tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm, ở thời kỳ đỉnh dịch, để bù đắp cho chi phí không thu được vào tháng Bảy, tháng Tám và tháng Chín. Handler cho biết công ty bị hao hụt rất ít trong thời gian này, với tỷ lệ gia hạn là 97% vào tháng Sáu.
Cần thời gian để thử nghiệm
Rất rõ ràng là các khách sạn cần linh hoạt để thích ứng trước đại dịch, và việc thanh toán theo tháng có thể mang lại lợi ích cho cả khách sạn và người tiêu dùng.
Robbie Kellman Baxter, chuyên gia tư vấn tại Peninsula Strategies và là tác giả của cuốn “Nền kinh tế hội viên”, cho biết hiện tại là thời điểm tốt để các khách sạn thử các mô hình như vậy.
“Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng - ví dụ như giãn cách xã hội dẫn đến giảm việc đi lại và tăng cường làm việc từ xa - tạo cơ hội cho các dịch vụ mới và thiết lập thói quen mới”, bà nói.
Tuy nhiên, Kellman Baxter nói thêm rằng những thay đổi như vậy có thể sẽ cần thời gian để đạt kết quả: “Mô hình hội viên không mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Bạn phải chấp nhận một cuộc chơi dài hạn”, bà nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: