Tỉnh Hà Nam hiện có 10 xã nằm ven sông Hồng, trong đó có một số khu dân cư nằm ngoài đê có nguy cơ bị ngập lụt hoặc sạt lở đất cao. Ðể bảo đảm an toàn cho các gia đình sống ở khu vực này, từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Nam đã thực hiện triển khai Chương trình 193 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở sông Hồng. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương có khu vực dân cư đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở đe dọa đến đời sống và sản xuất xây dựng phương án di dời, đồng thời bố trí đất TÐC cho các hộ đến nơi ở mới, trung bình mỗi suất có diện tích từ 75 đến 160 m2. Ðến nay, 100% các khu TÐC đã được xây dựng xong phần hạ tầng đồng bộ gồm hệ thống đường, vỉa hè, đường điện, đường dẫn nước sạch, với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu TÐC trị giá gần 100 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn của trung ương hỗ trợ và nguồn vốn của địa phương đối ứng. Tuy nhiên, tại các khu TÐC nêu trên mới có vài ba hộ dân nhận đất.
Chúng tôi có mặt tại khu vực bờ bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Chân Lý (huyện Lý Nhân) và xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) những ngày đầu mùa mưa bão. Ðây là một trong những khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao, đã có kế hoạch cần di dời. Ông Ðào Duy Phả, năm nay đã 75 tuổi ở thôn Ðồng Yên, xã Chân Lý, cho biết: Việc di chuyển về khu TÐC người dân chúng tôi cũng hiểu đó là sự quan tâm của Ðảng và nhà nước, nhưng đất thổ cư của chúng tôi đều có từ đời cha ông để lại và diện tích rất rộng (bình quân mỗi hộ có từ 200 đến 300 m2) trong khi vào khu TÐC chúng tôi chỉ được nhận từ 75 đến 160 m2, còn phần đất thổ cư ở khu vực bờ bãi sông Hồng sẽ phải chuyển sang đất thổ canh theo quy định của Nhà nước. Như vậy thì thiệt thòi cho người dân.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết: Hầu hết các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở có thói quen sinh sống rộng rãi theo kiểu nhà ở, vườn cây và chuồng trại gắn liền. Trong khi đó, diện tích khu TÐC chỉ có đất ở khoảng xấp xỉ 100 m2 và chỉ có thể xây nhà ống. Ðiều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý ngại thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, họ tính toán nếu di chuyển đến nơi ở mới, mỗi gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng bao gồm: tiền đất trả cho Nhà nước (khoảng vài chục triệu đồng), rồi tiền xây nhà... đối với các hộ nông dân là quá khó khăn. Trong khi đó, khu sản xuất và khu chăn nuôi nằm cách xa nhà ở thì không thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên Phạm Hồng Thanh,cho biết: Ðịa phương đã nhiều lần chỉ đạo các xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, vận động tuyên truyền bà con nông dân di dời đến nơi ở mới, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ðồng thời UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã nắm rõ tình hình thực tế để có biện pháp xử lý phần đất còn lại trong khu TÐC. Còn theo Chi cục trưởng Hợp tác xã và phát triển nông thôn Hà Nam, Trần Anh Tuấn, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu và thực hiện triển khai xây dựng các khu TÐC cho rằng: Ðến nay Chi cục đã bàn giao cơ sở hạ tầng cho các địa phương quản lý. Còn việc vận động nhân dân về nơi ở mới thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UBND các xã.
Ðược biết từ năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Lý Nhân và Duy Tiên, UBND các xã: Chuyên Ngoại (Duy Tiên); Nhân Thịnh, Phú Phúc, Chân Lý và Văn Lý (Lý Nhân), trong đó khẳng định: Ðối với đất ở trong vùng nguy cơ sạt lở giao cho UBND các cấp làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở thành vườn hoặc đất canh tác (khi các hộ dân di chuyển) và giao lại cho các hộ sản xuất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất trong vùng có nguy cơ sạt lở, nghiêm cấm việc xây dựng mới và cấp đất thổ cư trong vùng nguy cơ sạt lở. Ðối với đất ở tại khu TÐC: UBND các cấp giao đất ở đúng đối tượng là các hộ dân thuộc dự án di dân vùng nguy cơ sạt lở đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh Hà Nam cũng đã ráo riết trong việc phối hợp, chỉ đạo xây dựng các khu TÐC nhằm tạo điều kiện và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Song đã qua nhiều mùa mưa bão, các hộ dân vẫn không di chuyển đến nơi ở mới với nhiều lý do "ngại thay đổi tập quán canh tác", sợ thiệt thòi vì phần đất định cư bị thu hẹp lại... gây lãng phí tiền của Nhà nước, trong khi cuộc sống của chính các hộ dân vẫn đang đứng trước nguy cơ mất an toàn cao.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: