Ảnh minh họa
Tổng phá băng thị trường
Nhìn vào thực trạng hiện nay, ở cả 2 “núi băng” bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đều ẩn chứa rất nhiều vấn đề nan giải. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện lượng tồn kho chưa bán hoặc chưa huy động được vốn của thành phố lên tới 5.789 căn hộ. Mặt khác, số lượng nhà cho người thu nhập thấp lại rất èo uột. Ở TP.HCM tình hình cũng không khả quan hơn, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, tổng giá trị bất động sản đang chôn vào thị trường này lên tới 30.242,83 tỉ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có 2 cuộc họp bàn giải cứu thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng cho biết sẽ thành lập ban Chỉ đạo cấp quốc gia để nghiên cứu toàn diện, vừa giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết sẽ hỗ trợ cho người mua nhà ở lần đầu và hỗ trợ các doanh nghiệp để giảm giá bán nhà ở, cơ cấu lại nợ các khoản tín dụng bất động sản, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản tín dụng bất động sản.
Trong lúc đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đề xuất áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với xây dựng nhà ở xã hội. Bộ khẳng định can thiệp bằng tài chính sẽ là biện pháp chủ yếu trong kịch bản giải cứu đối với thị trường này. Ngoài ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ đưa ra khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản ngay từ quý II/2013.
Góp phần phá băng cho thị trường ngân hàng cũng đã vào cuộc giúp sức, điển hình là BIDV cam kết sẽ rót 30.000 tỉ cho nhà ở xã hội. Và mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng nêu ra 6 giải pháp chính giải cứu thị trường nhà đất.
Những lo ngại của các chuyên gia
Có thể nói, bất động sản đang được quan tâm giải cứu một cách toàn diện. Từ Chính phủ qua nhiều buổi thảo luận tại Quốc hội, đến đích thân Thủ tướng cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước...đều quyết tâm phá băng và hâm nóng cho thị trường trọng yếu này. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều đặt gánh nặng đè lên vai ngân sách nhà nước. Việc hàng loạt doanh nghiệp thi nhau xin chuyển nhà thương mại qua nhà ở xã hội cũng như đăng ký xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội mới đã gây nên sự lo ngại từ các chuyên gia.
Theo con số mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thì chỉ riêng Hà Nội đã có 10.000 (trên tổng số 15.000 căn) nhà ở xã hội “chưa bán hết”. Ông Nam thừa nhận “Hiện có tình trạng Nhà nước khống chế rất chặt điều kiện và đối tượng mua nhà, do đó số người đủ điều kiện được mua bị hạn chế, dẫn tới một số dự án chưa bán hết”.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, “Việc thu chi ngân sách hiện đã suy giảm rõ rệt. Hơn nữa việc mua lại nhà thương mại sẽ dựa trên tiêu chí nào, có công khai minh bạch hay không, có tránh được tình trạng lại dùng nguồn vốn nhà nước để cứu một số doanh nghiệp thân quen, doanh nghiệp sân sau? Đấy là những câu hỏi cần phải có lời giải rõ ràng”. Ông cho rằng, đấu giá nhà ở xã hội một cách công khai sẽ là phương án tốt nhất.
Nhà ở xã hội là một chương trình lớn của quốc gia, tuy nhiên bấy lâu nay nó nhanh chóng bị quên lãng và rơi vào tình cảnh èo uột. Bởi đơn giản là mô hình này không mang lại lợi nhuận kếch xù như căn hộ hay chung cư cao cấp. Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy giá nhà ở xã hội vẫn quá cao và thủ tục rất phức tạp.
Đành rằng cân đối lại cung cầu cho thị trường là điều cần thiết, tuy nhiên việc chuyển đổi ồ ạt mà không có sự chuẩn bị cẩn thận và chu đáo về cơ chế sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Băng cũng không thể tan trong ngày một ngày hai, thị trường bất động sản cũng cần có thời gian để tự sắp xếp lại chính mình trước khi đón nhận bất cứ sự trợ giúp nào. Nhà ở xã hội có hoàn thành sứ mệnh vị cứu tinh của mình hay không còn trông chờ rất nhiều từ Chính phủ cũng như doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng trước hết, nhà ở xã hội nên tự hoàn thiện chính mình đó mới là điều quan trọng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: