Phối cảnh Dự án NƠXH tại số 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TPHCM) .
Không dễ vay
Theo Quỹ phát triển nhà ở TPHCM, đối tượng được xem xét, giải quyết cho vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố, có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, có thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ 3 năm liên tục trở lên, chưa từng được giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở...
Ngoài ra, người xin vay tiền phải có khả năng trả trước 30% tiền mua nhà (được vay tối đa 70% trị giá căn nhà và không vượt quá 400 triệu đồng/hồ sơ)…
Theo nhiều cán bộ công chức, một số quy định làm căn cứ xét duyệt vẫn còn bất hợp lý, đánh đố người đi vay. Đơn cử như quy định về diện tích nhà ở tối thiểu 8m2/người.
“Hơn ba năm qua, vợ chồng tôi thuê phòng trọ rộng 18m2 ở Thủ Đức với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Căn phòng ẩm thấp, chật chội, vậy mà vừa qua, hồ sơ vay tiền mua nhà của chúng tôi bị từ chối, vì diện tích nhà ở tối thiểu tại thời điểm vay lớn hơn 8%. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi đành tìm căn phòng trọ khác nhỏ hơn, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo để làm lại hồ sơ xin vay” – anh Hưng, cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, nói.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, nếu được vay tối đa 400 triệu đồng, lãi suất 0,75%/tháng, thời hạn vay trong vòng 15 năm, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với thực tế thu nhập còn quá thấp, nhiều CBCCVC không đảm bảo khả năng trả nợ vay.
Một thành viên Hội đồng xét duyệt cho thuê và thuê mua NƠXH thừa nhận, do những quy định khắt khe, chưa phù hợp nên trong năm 2010, dù nhận được hàng nghìn hồ sơ xin vay mua nhà, Hội đồng chỉ giải quyết được cho 79 trường hợp đủ điều kiện.
Vốn hẻo
Quỹ phát triển nhà ở (QPTNƠ) được UBND TPHCM thành lập vào năm 2006, hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính nhà nước, bảo toàn vốn, không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được hình thành từ các nguồn: ngân sách; bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trích tối thiểu 10% tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới,…
Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, cả nước cần phát triển thêm 6,74 triệu căn nhà, trong đó có 500.000 căn nhà thu nhập thấp. |
Theo lãnh đạo Quỹ, đến nay, mới chỉ có TPHCM huy động được khoảng 1.000 tỷ đồng. Các địa phương khác do nguồn thu hạn chế nên phải lồng ghép quỹ này trong Quỹ đầu tư phát triển…
Tuy đứng đầu cả nước về nguồn quỹ huy động, song lãnh đạo QPTNƠ thừa nhận, so với hơn 20.000 CBCCVC ở TPHCM đang có nhu cầu về nhà ở, nguồn vốn hiện có chỉ là muối bỏ biển. Vốn cho vay không đáp ứng đủ nhu cầu CBCCVC nên chưa thể mở rộng sang các đối tượng người nghèo, thu nhập thấp khác.
Gần đây, nguồn thu của QPTNƠ ngày càng khan hiếm do vướng mắc trong việc sắp xếp, thu hồi, bán đấu giá mặt bằng kho xưởng thuộc sở hữu nhà nước đang bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, thị trường nhà đất đóng băng, các dự án phát triển nhà ở bị ngưng trệ đã làm giảm đáng kể nguồn thu cho quỹ.
Dự án nhiều, triển khai ít
Theo Sở Xây dựng, TPHCM có hơn 100 dự án NƠXH, nhà giá thấp được đăng ký triển khai, song, đến nay mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, QPTNƠ đang triển khai dự án NƠXH tại số 35 Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) với quy mô 784 căn hộ, diện tích 34-55 m2/căn, dự kiến hoàn thành trong quý 4-2013.
Việc chậm triển khai các dự án NƠXH là do nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, cho nên các doanh nghiệp ngại đầu tư vào phân khúc nhà thu nhập thấp vì lợi nhuận không cao, thu hồi vốn chậm. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Nhà nước nên sớm thể hiện vai trò chính đối với chương trình NƠXH, mạnh dạn xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: