Sau khi phản ánh doanh nghiệp này đã bị phạt 70 triệu do không có kế hoạch bảo vệ môi trường và đình chỉ hoạt động 9 tháng. Tuy vậy, lãnh đạo doanh nghiệp không đồng tình với quyết định xử phạt và ý kiến khiếu nại, song song đó vẫn tiếp tục hoạt động.
Điều này làm Tôi nhớ lại thời gian gia đình mình sống phía sau một nhà máy sản xuất hóa phẩm dầu khí. Sừng sững một dãy bồn cao gần 20 m dùng để pha trộn hóa chất kết nối với các đường ống dẫn vào khu nhà kho có mái và vách lợp tôn để đóng gói và lưu trữ các hóa chất rời. Bãi phía trước không có mái che được dùng làm nơi lưu trữ các thùng phuy hóa chất. Công nhân làm việc trong khu nhà máy sử dụng quần áo bảo hộ phủ cao su, đi ủng và đeo mặt nạ phòng độc.
Mùi hóa chất từ nhà máy thường xuyên bay sang nhà cư dân xung quanh, đặc biệt vào mùa nắng thì nồng độ càng cao và càng nồng hơn. Khi nhà máy hoạt động nhiều phát sinh thêm rất nhiều bụi những hạt bụi len lỏi trong không khí bay vào từng nhà, đóng thành từng lớp bụi trên các vật dụng gia đình. Các xe chở hóa chất vào ra nhà máy làm rơi hóa chất dọc đường…cũng góp phần gia tăng bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng nhiều đến cư dân xung quanh nhà máy.
Ý kiến của người dân qua nhiều cấp được chuyển đến phòng cảnh sát Môi trường. Đơn vị này phối hợp cùng chi cục quản lý môi trường kiểm tra và nhận thấy các ống thu gom bụi vào các bồn trộn hóa chất bị hở làm bụi phát tán. Nhà máy bị xử phạt cũng như yêu cầu phải có các biện pháp cải thiện. Ngay sau đó nhà máy chuyển cơ sở sản xuất này sang làm kho chứa và pha trộn hóa chất và chuyển nhà máy sản xuất sang vào trong khu công nghiệp. Tuy vậy quá trình bốc dỡ và lưu trữ không thể tránh khỏi bụi và hóa chất bốc hơi phát tán ra môi trường xung quanh, các sự cố có thể xay ra bất cứ lúc nào.
Nhà Tôi phải đóng cửa và lau dọn bụi bẩn thường xuyên. Điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Con trai Tôi có cơ địa dị ứng, nên rất hay bị viêm họng, và nghẹt mũi. Chúng Tôi cho cháu đi khám và chữa tại nhiều cơ sở chữa bệnh khác nhau nhưng chỉ một thời gian ngắn là cháu bị lại. Một bác sĩ ở bệnh viện Tai – Mũi Họng tại Trần Quốc Thảo – thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho chúng tôi “chỉ có thay đổi môi trường sống cháu mới bớt”. Vì vậy, Tôi quyết định chuyển nhà.
Ngôi nhà mới của tôi nằm trong khu dân cư mới được quy hoạch đầy đủ, nhưng lại nằm ngay sau một công ty lắp máy. Nhà xưởng của công ty chủ yếu lưu trữ các thiết bị sản xuất, trong đó có hóa chất làm sạch bề mặt điển hình là “xỉ đồng”. Hạt này còn được gọi là hạt “Nix”. Khi chưa sử dụng đây là loại vật liệu trơ, không phản ứng hoá học với nước mưa, nước biển, không khí, không có tác động xấu đến môi trường.
Tuy vậy khi làm sạch bề mặt kim loại, hạt này vỡ, tạo ra những hạt bụi nhỏ li ti, khi kết hợp với các hạt bong ra từ bề mặt kim loại như: bụi gỉ sắt, bụi sơn, bụi từ dầu, hay các chất thải và hóa chất khô bám trên bề mặt kim loại… những hạt này pha trộn tạo nên một hợp chất rất độc hại, được quy định trong danh mục A. Nguy hiểm nhất là bụi chì, nó thấm dần vào cơ thể qua đường hô hấp và tích lũy đến hàm lượng đủ lớn sẽ gây nhiều căn bệnh hiểm nghèo điển hình là bệnh ung thư cho con người và vật nuôi.
Thông thường các nhà sản xuất định giá các sản phẩm đầu ra của mình thông qua các chi phí đầu vào. Để cạnh tranh tốt hơn thì phải giảm các chi phí đầu vào, nên việc giảm bớt các chi phí xử lý chất thải sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá, doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng hóa hơn và làm ăn trở nên hiệu quả hơn.
Tuy nhiên toàn xã hội lại phải trả chi phí để xử lý chất thải, điều trị bệnh tật… Đây chính là một trong những thất bại của thị trường tự do và đòi hỏi vai trò can thiệp của nhà nước.
Nhận thức được điều này, luật bảo vệ môi trường và các văn bản quản lý chất thải đã có những quy định yêu cầu chủ nguồn thải phải có biện pháp hạn chế chất thải ra môi trường.
Tuy nhiên những hạt bụi li ti bay ra môi trường thì mắt thường vẫn không nhìn thấy nên khả năng kiểm soát nó vô cùng khó khăn. Gia đình tôi tiếp tục đối diện với một khó khăn mới, sức khỏe con trai tôi tiếp tục bị ảnh hưởng, tuy nhiên điều kiện kinh tế không cho phép tôi chuyển nhà một lần nữa.
May mắn thay giai đoạn này công ty lắp máy rơi vào giai đoạn khó khăn, không có đơn hàng nên nhà xưởng không hoạt động. Thành phố cũng quy hoạch di chuyển nhà xưởng để mở đường giao thông. Gia đình tôi tiếp tục sống với hy vọng ít nhất tình hình này kéo dài càng lâu càng tốt.
Theo thống kê của trang https://ourworldindata.org/ lượng người chết do ô nhiễm không khí tại Việt Nam năm 1990 là 10,635 người thì năm 2017 tăng lên gần gấp 3 với 29.550. Thời gian qua các phương tiện truyền thông thường xuyên cảnh báo về ô nhiễm của các thành phố lớn mà một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng ô nhiễm này chính là các cơ sở công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đan xen này. Có cả những người dân di cư đến sống xung quanh nhà máy hoặc ngược lại các nhà máy hình thành ngay tại khu dân cư để giảm chi phí tăng cạnh tranh cũng như cung cấp tốt hơn các dịch vụ cho người dân. Hầu hết các cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom bụi hay các biện pháp hạn chế tiếng ồn hay khói bụi phát tán ra môi trường xung quanh gây nên những ngoại tác tiêu cực.
Những ngoại tác tiêu cực này có thể trở thành những sự cố môi trường trầm trọng như Formosa xả thải làm chết cá ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế ngư dân, hay nhà máy “bóng đèn và phích nước Rạng Đông” cháy phát tán thủy ngân làm đời sống nhân dân xung quanh đảo lộn, sức khỏe bị đe đọa. Khi ấy chi phí chung của toàn xã hội để xử lý các ngoại tác này là vô cùng lớn, nó không chỉ nằm trong túi các doanh nghiệp gây ngoại tác tiêu cực, mà còn là các khoản chi của người dân chịu ảnh hưởng.
Để xử lý các ngoại tác tiêu cực này, nguyên tắc căn bản đó là nội tác hóa các ngoại tác tiêu cực. Nghĩa là yêu cầu các cơ sở ô nhiễm phải chịu các chi phí để xử lý các ngoại tác, khôi phục hiện trạng ban đầu. Các chi phí phải được thiết kế lớn hơn các lợi ích mà các cơ sở gây ngoại tác có thể đạt được.
Nghĩa là các chi phí để xử lý ngoại tác hay xây dựng độc lập hệ thống xử lý nước thải, thu gom khói, bụi, hạn chế tiếng ồn, phòng chống cháy nổ… thậm chí doanh nghiệp có thể phải trả chi phí mua bảo hiểm cho sức khỏe người dân sống xung quanh nếu sự cố xảy ra phải cao hơn các chi phí khi họ tổ chức sản xuất trong các khu công nghiệp tập trung. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất di chuyển vào các khu công nghiệp tập trung.
Một chính sách thành công của nhà nước là chính sách đó được thiết kế để cải thiện môi trường sống, nâng cao tuổi thọ người dân, giảm chi phí khám chữa bệnh…nâng cao hiệu quả toàn xã hội gia tăng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: