Cò đất ở Bình Ba - Châu Đức cầm sổ đỏ ra đường bắt khách. Ảnh: Trọng Tín
Rầm rập đến, thất thểu lui
Hàng trăm nhà đầu tư bất động sản đang như ngồi trên lửa vì thông tin một tập đoàn bất động sản lớn mới đây có văn bản xin rút lại đề xuất triển khai hai dự án rộng 500 ha tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, bởi các nhà đầu tư này đã trót đổ tiền vào đây từ mấy tháng trước nhằm đi trước đón đầu.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 3/2020, nhà phát triển bất động sản lớn nói trên có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất, đề nghị triển khai nghiên cứu xây dựng hai khu đô thị trên địa bàn. Thông tin mới có vậy nhưng chỉ sau mấy ngày được phát tán bởi các cò đất chuyên và không chuyên, từng đoàn ô tô, xe máy nối đuôi nhau “ăn dầm ở dề” tại khu vực xã Đồng Trúc, khu giãn dân Quan Giai thuộc huyện Thạch Thất.
Trịnh Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch King Broker |
Trên những chiếc xe ô tô đi thăm dự án luôn đầy ắp nhà đầu tư và có sẵn chim mồi, chân gỗ để chốt sale khi chỉ cần cọc 10 triệu ngay lúc đó có thể mua lô đất trên dưới 1 tỷ đồng.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi khởi điểm của “cơn say” Thạch Thất bắt đầu từ ngày nói dối 1.4.2020 với hàng trăm người tìm đến khu vực xã Đồng Trúc xem đất khiến giá đất tại đây tăng lên chóng mặt từng ngày. Có những lô đất giá từ 4 - 5 triệu đồng/m2, chỉ sau 4 - 5 ngày đã được đẩy lên gấp đôi, thậm chí có những lô lên tới 25 triệu đồng/m2.
Tại khu giãn dân Quan Giai, xã Đồng Trúc, các tay cò cũng đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần, từ mức 4 - 8 triệu đồng/m2 trước đó không ai mua nhưng sau vài ngày đã được đẩy lên đến 12 - 15 triệu đồng, chỗ đẹp 18 - 21 triệu đồng/m2.
Giống hệt “cơn sốt” cổ phiếu OTC những năm 2006 - 2007 trên sàn MB - một chợ cổ phiếu OTC không chính thức ở 16 Liễu Giai, Hà Nội, Tiến Thủy - một môi giới kỳ cựu cho biết, giao dịch đất đai ở Thạch Thất chủ yếu thông qua hình thức đặt cọc, viết giấy tay rồi ra phòng công chứng chứng thực giao dịch và nhiều người còn “lướt” cả giấy đặt cọc. Bản thân anh Thủy thời điểm đó cũng lướt thành công nhiều lô khi vừa đặt cọc xong đã sang tay cho người khác nhưng hiện vẫn còn tồn 1 - 2 lô ở khu giãn dân Quan Giai.
Quả bong bóng “xì hơi” chỉ sau chừng 10 ngày và khi nhớ lại chuyện này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, đa số người “ôm bom” cuối cùng đều phải chấp nhận để đó chờ dự án thực sớm triển khai để thị trường có sóng trở lại. Trong đó, đáng thương nhất là những người dân địa phương vốn không có kinh nghiệm, thấy giá đất lên thì mang đất nhà mình đi bán rồi bị cuốn vào vòng xoáy trao tay mảnh này, mảnh kia và phần nhiều trở thành những người ôm đất cuối cùng nhưng đã mất luôn cái nhà.
Cuộc chiến “dán và xé” bảng cảnh báo ở Đồng Trúc – Thạch Thất. Ảnh: Dũng Minh
Lời nhận xét của ông Đính về những hệ lụy sau cơn sốt khiến “không chỉ các nhà đầu tư cá nhân đã ôm đất khốn đốn mà các doanh nghiệp chân chính cũng sẽ khó khăn trong tiếp cận quỹ đất do giá đã bị đẩy lên cao” rất có thể là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn bất động sản lớn nói trên dừng triển khai dự án tại Thạch Thất, dù thông tin chính thức được công bố là bởi “tình hình dịch bệnh khiến doanh nghiệp đã cân nhắc và đánh giá lại nhu cầu của thị trường bất động sản, và tập trung vào các dự án trọng điểm khác”.
Trở lại với câu chuyện của Tiến Thủy, cuối tuần trước, trò chuyện về thông tin đại dự án đã dừng, anh than thở, "đúng là đời không như là mơ, họ rút dự án thật thì đi cả dây chú ạ, toàn cò đất với nhau chứ có mấy nhà đầu tư thực thụ đâu. Anh cũng đang rao bán gấp mấy lô mà chả biết có thu hồi được vốn không".
Những bài học… mãi không thuộc
Trước câu chuyện Thạch Thất, một kịch bản y chang đã được diễn ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 2/2020 và cơ quan pháp luật địa phương này còn nhận diện được cả một số “đầu nậu” cầm đầu hoạt động thổi giá, dụ nhà đầu tư vào tròng.
Đầu tháng 2/2020, trên thị trường râm ran thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề xuất thực hiện một dự án khoảng 800ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức và ngay sau đó giá đất khu vực Bình Ba liên tục nhảy múa.
Bất chấp các cảnh báo rủi ro đã được cơ quan chức năng địa phương đưa ra ngay sau đó, các khu đất trên địa bàn thị trấn Ngãi Giao, giáp đường Mỹ Xuân, tuyến Trần Hưng Đạo hay đất nằm dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba, nơi được xác định sẽ triển khai dự án đô thị quy mô lớn, có giá bán tăng gần 100 - 200% chỉ trong vài ngày.
Thời điểm cuối năm 2019, giá mỗi mét ngang đất thổ vườn nằm dọc Quốc lộ 56 chỉ từ 60 - 100 triệu đồng, đã được thổi lên 300 - 400 triệu, đất thổ cư có giá 500 - 600 triệu mỗi mét ngang để rồi… im lìm từ đó đến nay, đằng sau đó là không ít người tán gia bại sản.
Thực tế, những người “tiền mất, nợ mang” rất khó đổ lỗi cho chính quyền địa phương bởi trong hầu hết cơn sốt thời gian qua, chính quyền đã có những cảnh báo trên nhiều phương tiện thông tin, trong đó có cắm bảng cảnh báo ngay tại những nơi mua bán sôi động nhất. Nhưng như một cán bộ địa chính ở Thạch Thất chia sẻ, cán bộ thôn xã hầu hết đều là người làng, bà con đang “say máu” lời lãi hàng trăm triệu một ngày mà ra cắm biển cánh báo, nhẹ thì bị mắng chửi, nặng thì bị dọa hành hung.
“Mấy cái biển, mấy tờ giấy cảnh báo, cứ sáng ra cắm thì tối lại thấy bị nhổ vứt đi mất, chưa kể sốt đất luôn hút về những tay anh chị bất hảo muốn dây lấm ăn phần, gây mất trật tự địa phương”, vị này cho biết.
Vì thế cho nên câu chuyện về những cơn say đất nền bám đuôi cá mập đã trở thành những bài học “học mãi không thuộc”, từ Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông Anh rồi mới đây nhất là Bến Lức (Long An) và Thạch Thất (Hà Nội)... Các tay cò luôn có một lý do muôn thủa đầy thuyết phục rằng, “nếu chờ đến khi tin ra chính thống thì đã… trâu chậm uống nước đục rồi”.
Một trong những nội dung thường xuyên được nhấn mạnh trong báo cáo thị trường của VARS là cảnh báo các nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng với những lời rao bán đất nền không rõ ràng, rao bán dự án này trên cơ sở những tác động tốt từ những dự án xung quanh. Có một hội chứng đầu tư đất nền, theo ông Nguyễn Văn Đính, là “hết nạc vạc đến xương” khi ban đầu nhiều nhà đầu tư cũng rất cẩn thận tìm đến, kiểm tra các dự án hay thổ cư đầy đủ giấy tờ pháp lý, nhưng rồi khi cơn sốt bùng phát, họ tặc lưỡi chuyển hướng sang giao dịch cả đất rừng, đất trồng cây lâu năm.
Trong khi đó, ông Trịnh Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch King Broker cho biết, với những dự án bánh vẽ, thiếu pháp lý, cơ sở hạ tầng chưa hiện hữu, nhiều chủ đầu tư và đơn vị môi giới không có cách nào khác, đành phải tiếp cận những “con gà ngơ ngác”. Chẳng hạn, các chủ dự án nhập nhèm ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… bán buôn sản phẩm cho các sàn tại TP.HCM để các sàn này tập trung sale gom “gà”.
"Trên những chiếc xe ô tô đi thăm dự án luôn đầy ắp nhà đầu tư và có sẵn chim mồi, chân gỗ để chốt sale khi chỉ cần cọc 10 triệu ngay lúc đó có thể mua lô đất trên dưới 1 tỷ đồng. Khách hàng sẽ không có cơ hội đi hỏi han khu vực xung quanh hoặc suy tính thiệt hơn, bởi vì môi giới không rời họ nửa bước, thậm chí sẵn sàng cho khách vay để đặt cọc", ông Tuấn Anh kể.
Thực tế, sự nở rộ của nhiều trang rao vặt bất động sản hiện nay như alonhadat.com.vn; batdongsan.com.vn, nha.chotot.com, muabannhadat.vn, nhadat24h.net, kenhbds.vn… cũng tạo ra môi trường cực tốt cho các chiêu trò thổi giá, gây sốt. Đồng thời, một số website rao vặt dù không được cấp phép hoạt động báo chí, nhưng vẫn "lách luật" viết các bài phản ánh theo dạng dẫn dắt thị trường, gây nhiễu thông tin và vô tình góp phần đưa nhà đầu tư vào tròng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: