Cơ hội dẫu có
Có một nghịch lý vẫn đang diễn ra khi nói đến vấn đề sở hữu nhà ở giữa Việt Nam và thế giới. Trong khi chúng ta vẫn đang là nước đang phát triển, dân số cơ bản còn nghèo nhưng lại có tỷ lệ người dân sở hữu nhà rất cao. Trong khi các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ…thì người dân phần lớn sử dụng nhà thuê dài hạn bởi chỉ có một phần nhỏ giới thượng lưu mới đủ tiền để sở hữu nhà. Thực tế, cung – cầu nhà ở hiện không gặp nhau nên người dân vẫn tiếp tục lao đao với bài toán tìm chỗ ở giữa thời buổi kinh tế khó khăn. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn…không khó khi tìm các khu vực cho thuê nhà trọ tập trung với giá cả từ bình dân đến trung bình. Nhưng phần lớn trong số đó là do các hộ kinh doanh tự phát, tận dụng không gian gia đình nên cơ sở vật chất, hạ tầng, an ninh trật tự không đảm bảo. Chị Thiên Hoa (Hạ Đình, Thanh Xuân) cho biết: “Mấy năm sống ở Hà Nội, chúng tôi đã phải bao lần đổi nhà trọ. Hộ gia đình sống chung với sinh viên cùng khu trọ nhiều khi cũng bất tiện nên chúng tôi chấp nhận tìm ra ở khu này. Giá thuê nhà cũng cao hơn chỗ cũ, chủ nhà thì hay thay đổi giá theo tháng nhưng được cái an ninh đảm bảo nên mình cố gắng thôi. Chúng tôi cũng mong thuê được chỗ ổn định, giá rẻ như bên nhà ở xã hội. Nhưng chẳng biết đến lúc nào thì mới có được cơ hội…”. Người dân có nhu cầu rất lớn tìm được những căn hộ dịch vụ, căn hộ chung cư giá rẻ, chất lượng và đảm bảo.
Trong vai trò người đi tìm nhà, chúng tôi có mặt ở một căn nhà 5 tầng khá khang trang nằm trong ngõ Đinh Liệt (khu vực phố cổ). Chị Vân, chủ nhà cho hay: “Ở đây có căn hộ khép kín cho thuê, đầy đủ tiện nghi và có thể nấu ăn. Mức giá thuê cho phòng dưới 20m2 là 11 triệu đồng/tháng và trên 20m2 là 15 triệu đồng/tháng và phải ký hợp đồng từ 1 năm trở lên”. Với mức giá như trên thì rõ ràng công nhân viên chức hay các gia đình trẻ không thể trang trải. Chị Vân cũng nhiều như nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Hà Nội vẫn hướng tới đối tượng khách hàng là người nước ngoài. Dù lượng khách hàng tìm thuê và lưu lại đã giảm do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn không nghĩ đến việc mở rộng, thu hút đói tượng người Việt thuê nhà.
Hiện, trên cả nước loại hình nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm 6,5%. Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ nhà cho thuê chỉ chiếm 14,5%. DN đã để cơ hội đi về đâu?
Nhưng mà khó với
Phát triển nhà cho thuê là hướng đi đúng đắn, đáp ưng nhu cầu ở của đại đa số người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập trung bình, thấp. Nhưng phân khúc này không được DN hưởng ứng. Nguyên nhân chủ yếu chính là cơ chế, chính sách chưa khuyến khích DN đầu tư. Một DN trên địa bàn Hà Nội cho hay: “Hiện nay, Nhà nước chưa có ưu đãi về vốn để hỗ trợ DN xây dựng loại hình nhà cho thuê. Trong khi đó người dân Việt Nam chưa có thói quen ở nhà thuê dài hạn. Vì vậy, họ cũng chưa có sự chuyên nghiệp trong việc sử dụng và thanh toán tiền thuê cho nhà cung cấp. Đồng thời, chúng ta chưa có văn bản pháp lý quy định rõ ràng, chặt chẽ quyền hạn và nghĩa vụ giữa hai bên là nhà cung cấp và khách hàng đi thuê”.
Nếu giả sử DN có thu được lợi nhuận từ việc cho thuê nhà trong một thời gian dài và bán lại khi không còn nhu cầu thì họ vẫn chưa hết băn khoăn với việc thu hồi vốn. Hiện nay, phần lớn DN đang vay nợ ngân hàng. Đặc biệt, nhiều DN không có khả năng chi trả, nợ xấu nên không có được sự tín nhiệm để ngân hàng tiếp tục cho vay đầu tư. Điều đó cũng là khó khăn để DN thực sự muốn chuyển đổi mục đích và công năng sử dụng cho các sản phẩm cung ra thị trường đang ảm đạm như phân khúc BĐS trung, cao cấp.
Hướng đi phát triển nhà cho thuê dài hạn là tất yếu và phù hợp với xu thế cuộc sống người dân trong tương lai. Nhưng để phân khúc có thể phát triển, ổn định và bền vững thì rất cần sự chung tay quyết liệt của Nhà nước trong các chính sách để gỡ bỏ những nút thắt, thu hút DN đầu tư mạnh mẽ./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: