Mặc dù nhận được lời khen tích cực khi cố gắng thu thập thông tin và đánh giá hiệu quả từ quá trình trồng trọt của người nông dân, bạn sinh viên ấy vẫn khiến hội đồng băn khoăn khi chưa quan tâm đến chi phí cơ hội của hoạt động này để tính toán mức tiền lương mà chủ vườn lẽ ra phải được nhận.
Một sai sót tưởng chừng là rất nhỏ lại thể hiện được một vấn đề rất lớn trong bài toán sản xuất của người nông dân. Trên các trang báo, trong các buổi hội thảo nghiên cứu, người ta thường ca thán về vấn đề “mất mùa được giá, được mùa mất giá” hay việc nông dân đổ xô trồng một giống cây nào đó quá nhiều khiến đầu ra nông sản bị bế tắc. Hệ quả, là những cuộc giải cứu nông sản trong nước liên tục diễn ra hàng năm. Tôi cho rằng, một trong những yếu tố dẫn tới tình trạng này là người nông dân chưa biết hoặc chưa có thói quen tính toán tài chính cho hoạt động trồng trọt của mình.
Thực vậy, là người đã từng sống ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mười năm, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện với nông dân nên phần nào thấu hiểu câu chuyện lao động của họ. Những người nông dân miền Tây mà tôi gặp gỡ đa phần đều lấy công làm lời khi dấn thân vào một hoạt động nông nghiệp. Trong các buổi trò chuyện xung quanh các bàn trà người nông dân thường đưa ra quyết định lựa chọn trồng cây gì hay nuôi con gì thông qua những lời khuyên rất ngẫu hứng “cứ làm đi, ngon lắm”. Chính vì vậy, việc lựa chọn canh tác chưa có sự so sánh cẩn thận các phương án cần lựa chọn. Đa phần những người làm nông nhỏ lẻ ở nông thôn không thể nào tự dự báo những thách thức mà họ có thể phải đối diện để có phương án hạn chế rủi ro.
Tôi vẫn còn nhớ mẫu đối thoại hài hước giữa hai vợ chồng một người dân quê khi anh chồng trách móc người vợ tiêu xài quá lãng phí dẫn đến mức chi phí gia đình trong tháng vừa qua bị tăng cao. Nhưng khi tôi đề nghị họ liệt kê lại những khoản họ đã phải chi trả trong tháng qua thì mới phát hiện đa phần các khoản chi lớn nhất lại rơi vào hạng mục phân, thuốc, giống, công làm cho cây trồng mà anh chồng đang canh tác, còn chị vợ thì thật sự đã rất tặn tiện tiết giảm sinh hoạt phí. Khi tôi hỏi họ có tách chi phí cho hoạt động trồng trọt ra theo dõi riêng để sau mỗi vụ mùa sẽ tính toán lời lỗ thì họ lắc đầu.
Nông dân rất ngại lập một cuốn sổ riêng để ghi chú lại những khoản thu chi, tính toán lợi nhuận một cách chi tiết và cẩn thận vì vốn không phù hợp với thói quen lao động của họ. Điều này đã được thể hiện trong một lần đi thực địa đến địa phương, các cán bộ nông nghiệp than phiền với tôi về vấn đề nông sản vùng khó đạt các tiêu chuẩn an toàn vì nông dân chưa tuân thủ việc lập sổ theo dõi lịch sử canh tác riêng như quy định. Chỉ một yêu cầu nhỏ này thôi nhưng cũng khiến mục tiêu nâng tầm thương hiệu nông sản Việt hướng đến các thị trường quốc tế uy tín khó thực hiện được.
Đã có một thời nông dân ở chỗ tôi sống đổ xô nhau đi trồng Thanh Long. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc một vài gia đình trong vùng trồng Thanh Long và đến vụ mùa đã bán được với giá rất cao. Tận mắt nhìn thấy những người đi trước cầm trên tay một xấp tiền dày cộm, các nông dân khác lập tức quyết định về nhà đốn bỏ các loại cây trồng đang canh tác để chuyển sang trồng Thanh Long. Nhà nhà trồng, người người trồng, người không đủ tiền cũng vay mượn hoặc hợp tác với người thân để đủ vốn trồng.
Nhưng ngay cả trường hợp của những hộ đã từng trồng Thanh Long và thu về rất nhiều tiền với giá bán ngất ngưỡng, khi muốn tiếp tục mở rộng mô hình trồng trọt của mình, họ vẫn phải hoàn toàn lệ thuộc vào vốn ngân hàng chứ không thể bỏ ra một đồng vốn tự có nào. Điều này khiến tôi băn khoăn và đặt câu hỏi tiền bán Thanh Long thu được đã đi về đâu, tất cả các hộ này đều cho rằng do nhu cầu chi tiêu gia đình họ rất lớn nên không còn dư bao nhiêu.
Phải mất một thời gian tìm hiểu tôi mới phát hiện ra một điều, Thanh Long tuy bán được giá cao, doanh thu rất lớn nhưng chi phí bỏ ra để canh tác cũng nhiều không kém. Đó là chưa kể công việc chăm sóc cây trồng này rất cực, trong khi đó, người chủ vườn thường bỏ công làm lời nên sẽ tự làm các công việc ngoài vườn ở mức tối đa nhất có thể. Sau một thời gian ngắn, rất nhiều người sống trong các hộ trồng Thanh Long mắc một số bệnh do lao động quá sức khiến chi phí chi trả cho y tế phát sinh.
Từ năm ngoái đến nay, khi đại dịch Covid 19 bùng nổ khiến nông sản rớt giá thê thảm và việc tiêu thu gặp nhiều khó khăn, một lần nữa tôi đang chứng kiến người nông dân quê mình tìm cách đốn bỏ Thanh Long để chuyển sang trồng một giống cây trồng khác. Thực trạng khi có bất cứ một biến động nào đó xảy ra, người dân quê cuống cuồng thay đổi mô hình sản xuất kinh tế của mình theo hiệu ứng bầy đàn mà không có sự tính toán chi tiết và thận trọng khiến nông dân đi từ bế tắc này đến bế tắc khác.
Người dân quê mỗi khi trúng mùa bán nông sản được giá cao thường hồ hởi chia sẻ cho mọi người, nhưng bản thân họ vẫn chưa lường được bài toán tài chính mình phải đối mặt, tất cả những gì mà người nông dân ngỡ rằng họ đang thu về cho chính bản thân và cho vợ con thật ra chỉ đang là doanh thu, lợi nhuận thực sự còn phải xem xét trừ đi chi phí. Trong khi các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn luôn ra sức hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng trọt, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường đầu ra, tôi cho rằng vẫn còn có thêm một nội dung mà người nông dân rất cần được bổ trợ, đó là kiến thức về tài chính.
Nếu nhìn giải pháp theo hướng rộng hơn và táo bạo hơn thì những kiến thức cơ bản về tài chính nên được đưa vào nội dung học ở chương trình phổ thông. Đa phần người nông dân ở nước ta không tham gia học ở các cập bậc đại học, cao đẳng hay trung cấp. Nền tảng học vấn chính quy mà họ tiếp thu được chủ yếu ở bậc phổ thông hoặc các khóa học ngắn hạn đặc thù do cơ quan Nhà Nước cung cấp.
Ở một số nền giáo dục tiến bộ, kiến thức mà học sinh được học trong nhà trường có thể không hàn lâm bằng nước ta nhưng họ sẵn sàng trang bị cho các em những nội dung tính toán và kỹ năng gắn liền với các hoạt động kinh tế cơ bản nhiều hơn. Nhờ đó, một em học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp sẽ có đủ khả năng để bắt tay vào thực hiện các hoạt động kinh doanh như một cửa hàng, một nhà sách hoặc một mô hình trồng trọt chăn nuôi. Cách thức giáo dục này rõ ràng sẽ thiết thực hơn khi đặt vào giải quyết bài toán kiến thức tài chính cho nông dân.
Khi thế giới đang phải đối diện với đại dịch Covid 19, hoạt động thương mại trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, nông sản là một trong những loại hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến đời sống người nông dân trở nên bấp bênh. Nhưng có lẽ đây cũng là cơ hội để người nông dân nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và cũng là thời điểm phù hợp để Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp nâng cao năng lực của họ. Việc cải thiện kiến thức về tài chính cho người nông dân có thể là chìa khóa giải quyết những vấn đề cố hữu giúp ngành nông nghiệp trong nước có những bước tiến mới sau khi thế giới kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và nền kinh tế được ổn định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: