Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trung bình mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị. Báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã chỉ ra một thực tế: Trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt như vậy nhưng chỉ có 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khả năng chi trả cho nhà đất do các công ty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức.
Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố ngày (5-4) cho thấy: Việt Nam đang đô thị hóa với tốc độ 3,4% mỗi năm, tập trung chủ yếu quanh khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện mạo đô thị Việt Nam có nhiều thay đổi, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là về chất lượng cuộc sống của người dân.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến giá nhà đất
vượt xa so với thu nhập của người dân - Ảnh: Hoàng Long
Mỗi tháng cả nước có thêm một đô thị
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Nếu như năm 1986 tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới đạt 19% (khoảng 11,8 triệu người), thì đến năm 2010 đã tăng lên 30,5% (khoảng 26,3 triệu người). Chính sự gia tăng dân số cùng với hạ tầng đô thị không đồng bộ và phương thức quản lý không hợp lý đang khiến những đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phải oằn mình trong cơn lốc đô thị hóa.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trung bình mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10% trong giai đoạn 1999-2011 (từ 20,7% lên 30,5%). Cùng với đó, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người, đó là chưa nói đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 triệu người dân chuyển đến sống tại các thành phố. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị chỉ khoảng 13% so với yêu cầu 20-25%; tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh (bãi đậu xe) dưới 1% so với yêu cầu 3-3,5%; chỉ khoảng 73% dân cư đô thị được cấp nước sạch, 60% người dân được sử dụng dịch vụ thoát nước, 30/755 đô thị có dự án thu gom xử lý nước thải tập trung và 15% các bãi chôn lấp rác thải rắn đạt vệ sinh; tỷ lệ mảng xanh trong đô thị rất thấp, 2-5m2/người so với mục tiêu 10-15m2/người...
Báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã chỉ ra một thực tế: Trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt như vậy nhưng chỉ có 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khả năng chi trả cho nhà đất do các công ty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa sẽ là một phần quan trọng trong tương lai của Việt Nam đô thị hóa khi được quản lý tốt có thể sẽ hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khác. Tuy nhiên quá trình này cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như toàn xã hội những thách thức mới.
Nghẹt thở, đứt gãy vì đô thị hóa
Nếu nhìn vào tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam điều dễ ràng nhận thấy đó là nhìn bề ngoài hoành tráng, hào nhoáng nhưng bên trong thì quá sập xệ. Ngay ở Hà Nội đi về bất cứ hướng nào cũng thấy những tòa nhà chọc trời mọc lên, những con đường mới mở đã lấy dần đất nông nghiệp cho các khu công nghiệp...Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì thấy viễn cảnh những đô thị hoành tráng, hiện đại sắp mọc lên nhưng ẩn sâu dưới vẻ bề ngoài hào nhoáng ấy là không biết bao điều người dân phải đối mặt. Nào là khói bụi, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhà ở, không gian vui chơi công cộng, người dân mất đất, mất việc làm... đó là những hệ lụy đã được nhìn thấy từ nhiều năm trước, nhưng đến giờ chúng ta vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết.
Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - Trần Trọng Hanh cho rằng: Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cuộc sống của người dân ở đô thị lõi trở lên ngột ngạt chưa từng có. Bởi sự vội vàng đã biến những vùng nông thôn thành thành thị trong khi diện tích nhà ở không tăng cùng, vấn đề việc làm cho người dân chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến tình trạng hàng vạn người có thu nhập từ thấp đến trung bình không có nhà ở, hàng vạn nông dân mất ruộng cho các dự án và không có việc làm đang đứng trước nguy cơ tái nghèo... Hơn nữa vấn đề thôn tính đất vành đai quá nhanh đang trở nên nguy hiểm với đô thị Việt Nam. Chẳng hạn, năm 1996 chiến lược phát triển đô thị vạch kế hoạch cho tổng thể đất đô thị đến năm 2020 là 460.000ha, nhưng đến năm 2006 đã thực hiện trên 477.000ha, vượt kế hoạch 13 năm. Diện tích quỹ đất xanh biến mất, kèm theo đó những khu đất màu mỡ cung cấp rau xanh, thực phẩm, các loại hoa... cũng bị "thủ tiêu” cùng quá trình đô thị hóa.
Quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với việc đất nông nghiệp nhanh chóng bị lấy đi trong khi các khu công nghiệp chưa được lấp đầy, đã khiến một bộ phận nông dân mất đất tràn ra các đô thị lớn tìm việc làm đã gây áp lực rất lớn về giao thông, chỗ ở... Theo ông Hanh, nếu như vùng lõi đô thị nghẹt thở trước áp lực dân số quá lớn đè nặng lên hạ tầng yếu kém, cũ kỹ thì các vùng ven đang đứng trước nguy cơ bị băm nát và bị đô thị lõi nuốt chửng. Người ta chẳng thể phân biệt rạch ròi danh giới đô thị và nông thôn nữa mà đâu đâu cũng là đại công trường còn dang dở.
Công bằng mà nói, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì đô thị hóa là vấn đề đương nhiên. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay đã khiến người dân có cảm giác hụt hơi vì dượt đuổi tốc độ đô thị hóa. Để rồi kéo theo đó là nhiều hệ lụy, hệ lụy nhãn tiền là mất đất, mất việc, ô nhiễm môi trường sinh thái...Rõ ràng, đô thị hóa quá nhanh không phải là điều mà người dân mong muốn.