Trước đây, bà con sản xuất chủ yếu mang tính thời vụ, tập trung ở những thời điểm nông nhàn và chỉ coi việc sản xuất gạch là nghề phụ để có nguồn thu nhập thêm cho gia đình.
Khoảng 4 đến 5 năm trở lại đây, sản phẩm gạch ngói có giá cao, tiêu thụ dễ dàng và bà con coi nghề làm gạch ngói hơn cả công việc đồng áng vì nghề này đem lại nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình.
Từ đây, phong trào xây dựng lò gạch thủ công phát triển rầm rộ, mọi sự vận động, tuyên truyền của chính quyền sở tại và các ngành chức năng đều không thuyết phục được người dân hạn chế làm nghề này.
Cán bộ và nhân dân nơi đây cho biết Thanh Trù là xã ngoại thành của thành phố Vĩnh Yên, diện tích tự nhiên chỉ có trên 701ha nhưng có tới gần 300 lò gạch, lò ngói thủ công nằm đan xen với làng xóm, khu dân cư tập trung và hoạt động quanh năm.
Hàng trăm xe tải chạy suốt ngày chở gạch, đất, xe đến lấy sản phẩm ra lò đã liên tục cày xới đường giao thông khiến cho địa bàn thôn xóm luôn bị bụi, khói bủa vây mù mịt... khiến nhiều người chứng kiến phải khiếp sợ vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thêm vào đó, đất canh tác của người dân Thanh Trù những năm gần đây, mỗi năm càng thu hẹp do Vĩnh Phúc thu hồi để triển khai các dự án nhà ở, nơi vui chơi giải trí. Khoảng gần 10 năm về trước, diện tích đất nông nghiệp ở Thanh Trù có 432,8ha.
Từ khi có các dự án lớn như sân golf Đầm Vạc thì đất nông nghiệp của Thanh Trù thu hồi 81,05 ha đất nông nghiệp, chủ yếu canh tác 2 vụ lúa/năm; dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn I thu hồi 88,41 ha...
Đến nay, đất nông nghiệp ở xã chỉ còn 50 đến 60% so với trước, nhưng toàn là vùng khó canh tác vị ở vị trí trũng, thường xuyên ngập nước, canh tác lúa chỉ được 1 vụ/năm. Nguyên nhân do trước đây người dân đào bới để lấy đất đem bán cho các lò gạch, hệ quả là địa hình đất nông nghiệp bị lồi lõm; hệ thống kênh mương nội đồng xuống cấp và phá vỡ sự liên thông, do đó khả năng tưới và tiêu nước cho cây trồng đều kém.
Ngoài diện tích đất nông nghiệp ở Thanh Trù đã được thu hồi nêu trên, mới đây Vĩnh Phúc vẫn quy hoạch, điều chỉnh, tiếp tục cho phép một số nhà đầu tư khác vào để lấy đất xây dựng công trình. Như vậy, đất đai canh tác ở Thanh Trù tiếp tục bị thu hẹp, việc này đồng nghĩa với người dân mất đất sản xuất và buộc phải chuyển đổi nghề khác.
Khi đô thị Vĩnh Yên các ngành nghề, dịch vụ chưa phát triển, khu công nghiệp chủ yếu quan tâm đến tuyển chọn lao động trong độ tuổi thanh niên, qua đào tạo nghề thì một bộ phận lao động lớn tuổi, chưa qua đào tạo ở Thanh Trù rất khó tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, lâu dài. Không có sự lựa chọn nào khác, người lao động Thanh Trù bám vào nghề làm gạch ngói thủ công tại thôn xóm, gia đình của mình.
Khi được hỏi có biết ô nhiễm môi trường từ sản xuất gạch ngói thủ công phạm vi rộng sẽ gây hậu quả thế nào không, chị Huyền, một người dân thổ lộ: "Các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều rồi và họ đã đưa ra cảnh báo là hoàn toàn dựa trên kết quả nghiên cứu, rất đáng tin, người dân đã biết hết. Khói lò gạch bủa vây cây trồng cũng không cho quả; trâu bò khỏe thế còn gầy trơ xương khi chăn thả ở những vùng có gần lò gạch ngói thủ công."
Một người khác cho rằng đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương bị tỉnh thu hồi để cho các dự án xây dựng, nên đất canh tác ở địa phương còn lại quá ít, nếu chỉ trông chờ vào cấy lúa, trồng hoa màu thì không đủ ăn. Đã biết là đốt lò gạch độc hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng không còn sự lựa chọn nào khác.
Sản xuất gạch, ngói của người dân đã gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, mùi khí than nồng nặc quanh năm, nguồn nước ở địa bàn cũng bị ô nhiễm vì khí bụi và thùng vũng do đào bới đất làm gạch dày đặc khắp nơi, lẫn quá nhiều tạp chất có hại đã đánh mất khả năng tự làm sạch của môi trường. Người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt... khá phổ biến, nhưng họ không dám lên tiếng vì sự ô nhiễm, sự phát bệnh là do chính họ gây ra.
Các cấp chính quyền ở Vĩnh Phúc đã tổ chức hàng chục cuộc họp, từ tháng 11/2008, xã Thanh Trù đã họp và đưa ra một Nghị quyết chuyên đề là xóa bỏ lò gạch, lò ngói thủ công. Theo kế hoạch thì đến hết tháng 12/2009 sẽ phải thực hiện xong, nhưng nay mọi việc vẫn vậy, chưa có một chút chuyển biến.
Nguyên nhân mà chính quyền các cấp đưa ra vẫn là nếu cương quyết dẹp bỏ thì bà con không có nghề gì kiếm tiền sinh sống, sẽ mất ổn định xã hội. Mà nếu tiếp tục để tồn tại sẽ xảy ra các hậu quả về sức khỏe, bệnh tật khôn lường, thậm chí ảnh hưởng đến đời con cháu của họ.
Xóa bỏ các lò gạch thủ công và chuyển đổi nghề cho các hộ sản xuất gạch, ngói sang các ngành nghề khác đang là những khó khăn, thách thức lớn đối với các cấp chính quyền địa phương. Bà con cũng coi nghề này là rất độc hại.
Vì vậy, họ rất cần có cơ hội để đổi nghề, hoặc chuyển nghề đến nơi khác và áp dụng tiến bộ khoa học tránh sự ô nhiễm./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: