Sự bùng nổ của các công nghệ thế hệ mới đang mở ra một thời đại phát triển mới với trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền kinh tế số. Cuộc cách mạng này đang tạo ra cơ hội và cả thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại VLXD mới, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển nếu không muốn bị “đào thải”.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết lợi thế của doanh nghiệp chính là ứng dụng thành công giá trị khoa học công nghệ sản xuất trong cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm trong các khâu đầu vào, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành vật liệu xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh…
Để phát triển, các doanh nghiệp VLXD cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến hiện đại, loại bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư với quy mô hợp lý, phát triển sản xuất có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển VLXD, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngành VLXD Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm VLXD cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh…
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong ngành VLXD. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác, ứng dụng được công nghệ mới, chưa có sản phẩm mới mang tính đột phá, bắt kịp xu hướng của cách nghiệp công nghiệp 4.0.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp VLXD đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kiểm soát, sử dụng vật liệu mới để tăng tính cạnh tranh. Nhiều hãng sản xuất sứ vệ sinh lớn như Inax, Viglacera, Hảo Cảnh… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao.
Hay các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kính, áp dụng công nghệ kính nổi tiên tiến. Ngoài ra, nhóm sản phẩm gạch, ngói đất sét nung, cát, đá xây dựng… với dòng sản phẩm có ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thân thiện môi trường. Một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR, VR) vào việc kinh doanh và nắm bắt tâm lý khách hàng.
Một số công nghệ sản xuất được nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực VLXD được dự báo phát triển nhanh trong thời gian tới như vật liệu bền, vật liệu bao che nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước, thi công, lắp ghép nhanh,…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: