Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây nối TPHCM với Đồng Nai hiện đang khai thác – Ảnh: Anh Quân
Ngày 15-9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, cả nước có 5.004 km đường cao tốc (tăng 3.841 km so với với năm 2021). Đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc có 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km.
Trong đó, khu vực phía Bắc có 14 tuyến cao tốc, chiều dài 2.305 km; miền Trung – Tây Nguyên 10 tuyến, chiều dài 1.431 km; miền Nam 10 tuyến, chiều dài 1.290 km.
Hệ thống đường quốc lộ đến năm 2030 có 172 tuyến với tổng chiều dài 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021).
Đường bộ ven biển đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài 3.034 km, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, điểm mới trong quy hoạch đường bộ lần này là đã dự báo, phân tích kỹ vai trò lợi thế từng phương thức vận tải trên 30 hành lang vận tải chính, để tăng cường tính kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành cũng như kết nối các vùng miền.
Bên cạnh đó, quy hoạch đã chú trọng đến vai trò của phương thức vận tải cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km).
Mục tiêu của quy hoạch đã xác định hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và sân bay quốc tế.
Về cơ chế, chính sách, tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật để thu hút các nguồn lực đầu tư.
Về nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc, chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”.
Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách trung ương như đã làm trước đây.
Sau khi đánh giá sự thành công của các mô hình địa phương đầu tư đường cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang…, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng là đổi mới tư duy đầu tư trong giai đoạn tới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: