Ảnh minh hoạ
Chị Tình cho biết, xã có chủ trương làm đường bê tông ngang qua nhà tôi theo diện nhà nước và nhân dân cùng làm; xã có tổ chức họp để bàn về mức đóng góp. Theo đó, mỗi mét ngang mặt tiền người dân đóng 400 nghìn đồng, nhà tôi có 2 mặt giáp đường, trong đó mặt tiền chính 4 mét nên tôi đồng ý đóng 1,6 triệu đồng; tuy nhiên, Tổ trưởng bắt tôi phải đóng tiền theo chiều dài của nhà 25 mét, bởi vậy số tiền mà tôi phải đóng lên đến 10 triệu đồng. Tôi thấy điều này quá vô lý, bởi nhà hàng xóm cũng diện tích như nhau mà nhà tôi phải đóng tiền hơn 6 lần.
Trường hợp khác, anh Trung cho hay, việc xã có chủ trương làm đường nông thôn tôi hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên, tôi thấy cách xác định mức tiền đóng góp không công bằng, họ cứ tính mét ngang mặt tiền để xác định số tiền đóng góp, như nhà tôi mặt tiền 6 mét chiều sâu 4 mét mà phải đóng tiền nhiều hơn những nhà mặt tiền 4 mét, chiều sâu 20 mét. Rõ ràng, khi làm đường thì giá nhà sẽ tăng, đường xá khang trang sạch đẹp; nhà diện tích lớn sẽ tăng giá nhiều hơn nhà diện tích nhỏ, tại sao nhà tôi diện tích chưa đến 1/3 nhà hàng xóm mà số tiền đóng góp lại nhiều hơn họ.
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ sau đây để mọi người được biết nhằm đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình.
Thứ nhất, tại điểm g khoản 5 mục V của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua”.
Như vậy, việc xây dựng đường nông thôn mới nhà nước không bắt buộc người dân phải đóng mức cố định là bao nhiêu mà chỉ là vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp.
Do đó, đối với những trường hợp người dân có ý kiến nêu trên thì chính quyền địa phương cần lắng nghe để có cách giải quyết phù hợp; tránh máy móc tính theo mét ngang của mặt tiền giáp đường rồi đưa ra số tiền phải đóng góp không hợp lý, gây ra những bất đồng như trên.
Thứ hai, vì đây là khoản đóng góp mang tính tự nguyện từ người dân, do đó chính quyền địa phương cần vận động người dân đóng góp; đặc biệt, phải quán triệt rõ vấn đề này với những người đi thu tiền (như Tổ trưởng, Tổ phó…), tránh trường hợp không thu được tiền lại chuyển qua hù dọa người dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: