Để mua được nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ phải trải qua rất nhiều cửa ải về thủ tục. Người mua sẽ phải hoàn tất một bộ hồ sơ với đủ loại các giấy tờ như chứng minh thu nhập trả nợ, xác nhận của chính quyền địa phương chưa có nhà ở, chứng minh của cơ quan về mức thu nhập...
Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại một dự án nhà ở xã hội cho biết, để hoàn tất xong một bộ hồ sơ thì không chỉ người mua mà cả cán bộ tiếp nhận cũng phải trải qua quá trình đầy gian nan. Tuy nhiên, khi hoàn thiện hồ sơ xong thậm chí Sở Xây dựng phê duyệt danh sách mua thì không phải khách hàng nào cũng mua như cam kết bởi trong số đó có không ít người nộp chỉ để giữ chỗ, nghe ngóng tình hình hoặc tìm chỗ khác ưng ý hơn xin rút hồ sơ.
Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà cho rằng, thực tế này đang khiến các doanh nghiệp vướng vào những rủi ro trong phương án kinh doanh của mình bởi không có quy định nào ràng buộc giữa người mua và người bán nên doanh nghiệp kinh doanh chỉ biết dựa trên lời hứa mua của khách .
"Nếu không khẳng định được đầu ra thì bài toán đầu tư của mình tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hàng hóa mình sản xuất ra chưa có nhu cầu thực sự thì tất cả vốn tự có và vốn vay sẽ đi đến dở dang" ông Hoàng Văn Anh chia sẻ
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong đợt sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn về về ràng buộc trách nhiệm mua bán tại các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, cho phép doanh nghiệp được thỏa thuận nhận đặt cọc của người mua để chủ động được phương án kinh doanh của mình.
Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục nhà ở cho rằng: "Đặt cọc nhà ở thương mại thì được phép nhưng nhà ở xã hội chưa quy định. Đối tượng nhà ở xã hội là những người khó khăn nên nếu có quy định về đặt cọc thì mức đặt cọc cũng phải rất thấp. Điều này sẽ khiến người mua có trách nhiệm khi đăng ký".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: