Cửa hàng xăng dầu của IQ8 tại Hưng Yên phục vụ theo phong cách Nhật Bản - Ảnh: N.KH
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 35% vốn cổ phần tại một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu Việt Nam, theo dự thảo sửa đổi nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương hoàn thiện sửa đổi để trình Chính phủ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc duy trì giá cơ sở xăng dầu khiến thị trường này chưa có sự cạnh tranh về giá.
Thêm nguồn lực, cải thiện quản trị
Một lãnh đạo DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam, đơn vị sở hữu 60 cây xăng bán lẻ và 200 đại lý, cho biết đang có chiến lược mở rộng ra phía Bắc thêm 20 cửa hàng. T
uy vậy, đây là lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư lớn, quay vòng vốn lâu, trong khi nguồn lực DN hạn chế nên gặp không ít khó khăn. Bởi đầu tư cây xăng cần vốn rất lớn, riêng tiền mua đất để làm cây xăng đã tốn hàng chục tỉ đồng, về thủ tục cũng mất 2-3 năm.
"Để mở rộng thêm khoảng 20 cây xăng cần 600-700 tỉ đồng, vay ngân hàng để đầu tư là áp lực rất lớn với DN vì lãi suất vay rất cao, chưa kể cần phải đầu tư hệ thống kho xăng dầu. Vì vậy chúng tôi cũng mong muốn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, để có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ, hỗ trợ thêm việc quản trị, vận hành khi mở rộng quy mô" - vị này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Hoài Dương, chủ tịch HĐQT PVOil, cho biết sau khi DN được duyệt lộ trình cổ phần hóa, nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất quan tâm việc mua cổ phần của PVOil.
Tuy vậy, việc thoái vốn nhiều lần lỡ hẹn bởi nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là việc quyết toán cổ phần hóa chậm tiến độ, khiến DN bị bỏ lỡ nhiều kế hoạch đầu tư.
"Với việc Nhà nước vẫn chiếm 80% vốn như hiện nay, hoạt động đầu tư của DN gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế ràng buộc khá cứng nhắc, nhiều kế hoạch trình lên phải xin ý kiến nhiều nơi, đến khi được duyệt thì cơ hội qua mất rồi.
Trong khi đó, công ty tư nhân và nhà DN có vốn nước ngoài thường linh hoạt hơn, ông chủ quyết luôn khi có cơ hội. Do vậy, việc mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ cởi trói cho DN" - ông Dương nói.
Khó có cạnh tranh về giá
Nhận vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài để tạo nên diện mạo mới cho thị trường xăng dầu không phải là không có cơ sở.
Trước đó, thương hiệu xăng dầu Nhật Bản là Idemitsu Kosan đã liên doanh với Kuwait International Petroleum của Kuwait để mở hệ thống 4 cây xăng mang thương hiệu IQ8. Dù chưa có liên doanh nhưng với việc trở thành đại lý chính thức của PVOil, hãng ngoại này đã tạo nên diện mạo mới cho thị trường.
Theo đó, lần đầu tiên người mua xăng được chào đón, cảm ơn và chào tạm biệt bằng nụ cười và cử chỉ cúi chào đầy thân thiện.
Đặc biệt, IQ8 còn áp dụng hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,001 lít, cung cấp đầy đủ chứng từ giao dịch cho khách hàng. Sử dụng hóa đơn điện tử và có các phương thức thanh toán thuận tiện, đa dạng như tiền mặt, thẻ trả trước, thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ trả trước xăng dầu...
Tuy vậy, sự cạnh tranh mong đợi nhất của người tiêu dùng về giá lại khó có cơ hội diễn ra ngay cả khi có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại vào thị trường. Bởi theo dự thảo sửa đổi nghị định 83/2014, nguyên tắc điều hành giá cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi, tức là thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với chi phí phát sinh nhưng không được cao hơn giá cơ sở.
Việc duy trì giá cơ sở xăng dầu do cơ quan điều hành đưa ra mỗi kỳ điều chỉnh, khiến các DN xăng dầu thường lựa chọn "neo" theo giá cơ sở.
Một lãnh đạo DN xăng dầu đầu mối phía Nam cho hay do sự cạnh tranh khá gay gắt ở khâu bán buôn, các DN thường phải chạy đua chiết khấu cho đại lý, nên không có nhiều cơ hội để giảm giá bán lẻ cho người dân.
"Vì thế, trong mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, cơ quan chức năng công bố giá cơ sở, DN thường điều chỉnh tương đương với mức giá này mà ít có chuyện giảm giá thấp hơn để người tiêu dùng hưởng lợi. Việc duy trì giá bằng giá cơ sở cũng giúp DN khai thác tối đa lợi ích về giá bán với cơ chế điều hành như hiện nay", vị này nói.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn mở cửa nhà đầu tư nước ngoài tham gia để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư, mở rộng chuỗi hệ thống - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Gọi vốn có kiểm soát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay dự thảo sửa đổi nghị định 83/2014 cho phép DN kinh doanh xăng dầu trong nước được chuyển nhượng không quá 35% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm nhà đầu tư ngoại không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động của DN theo quy định của Luật DN.
Theo ông Đông, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng nên khi mở cửa đối với lĩnh vực phân phối xăng dầu, Bộ Công thương đã có sự cân nhắc kỹ về thời điểm mở cửa phù hợp.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng không cam kết mở cửa một số lĩnh vực, trong đó có xăng dầu, vì cần thêm thời gian để các DN trong nước có cơ hội lớn mạnh lên, xây dựng cơ sở vật chất.
"Sau 13 năm gia nhập WTO, kinh tế VN đã hội nhập sâu rộng, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện lực, dầu khí, ngân hàng, hàng không... Với xăng dầu, về cơ bản các DN trong nước đã tổ chức được hệ thống phân phối rộng khắp và bắt đầu có nhu cầu phát triển lớn mạnh hơn, chuyên sâu hơn, đầu tư các kho, cầu cảng chuyên dụng và đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, pha chế, nên cần thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài" - ông Đông cho hay.
Trong thực tế, một số DN trong lĩnh vực xăng dầu như Petrolimex, PVOIL, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)... đều được Chính phủ cho phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỉ lệ khác nhau.
"Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các DN kinh doanh xăng dầu đã góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị DN, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt giúp giá trị DN gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu", ông Đông khẳng định.
Mở nhưng thận trọng
Dù khẳng định việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với nhu cầu phát triển của DN, nhưng theo các chuyên gia, cần cân nhắc thận trọng về tỉ lệ sở hữu và lĩnh vực được phép mở cửa.
Một chuyên gia cho rằng theo quy định của Luật DN, trường hợp nhà đầu tư sở hữu 35% cổ phần trở lên sẽ có quyền được biểu quyết. Vì vậy, nếu được sở hữu tối đa 35% cổ phần như dự thảo nghị định sửa đổi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có quyền quyết định trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Trong khi đó, xăng dầu là lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế, gắn với an ninh năng lượng nên việc cân nhắc kỹ lưỡng về tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là điều cần thiết nhằm đảm bảo thị trường vận hành an toàn, lành mạnh, ổn định và tránh nguy cơ, rủi ro về an ninh năng lượng.
"Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia chỉ nên tập trung vào khâu sản xuất, thương nhân kinh doanh đầu mối chứ không nên mở xuống tới các hệ thống đại lý, thương nhân phân phối vì nguy cơ rủi ro cho hệ thống phân phối, bán lẻ có thể xảy ra" - vị này nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: