Bà Nguyễn Thị Nhiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: Đầu năm 2008, bà và người bạn hùn tiền mua một miếng đất tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An) nhưng các bên chỉ làm giấy tay mua bán và người bạn giữ giấy chủ quyền đất.
Xử lý bất thường
Sau đó bà Nhiên thanh toán tiền cho người bạn để được trọn quyền sử dụng đất nhưng không tiến hành thủ tục chuyển nhượng đất. Về phía người bạn thì cứ hứa hẹn, không chịu đưa giấy đỏ để bà Nhiên cùng chủ đất đi chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất. Tháng 2-2009, nghi ngờ người bạn sẽ dùng giấy đỏ đó để sang nhượng đất cho người khác, bà đã gửi đơn đề nghị UBND xã ngăn chặn việc chuyển nhượng đất.
Tưởng vậy là tạm ổn nhưng vài tháng sau, bà Nhiên tá hỏa khi hay tin miếng đất đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Không rõ bằng cách nào mà người bạn đã liên hệ được với UBND xã để làm hợp đồng mua bán đất giữa chủ đất với người mua. Cũng trong ngày hợp đồng được chứng thực, UBND huyện Đức Hòa đã có cách xử lý rất bất thường là hoàn thành thủ tục sang tên cho người mua. Thời gian ngắn sau, chủ mới đã chuyển nhượng đất cho người khác.
Chủ tịch xã chứng khống
Thấy vụ việc có nhiều khuất tất, bà Nhiên đã nộp đơn tố cáo. Tháng 11-2009, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đức Hòa đã vào cuộc để làm rõ các thông tin liên quan. Khi làm việc với đơn vị này, chủ đất trình bày: Bà có ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng theo mẫu quy định và hợp đồng đó đã được chủ tịch xã chứng thực. Tuy nhiên, bà không ký tên vào tờ khai thuế thu nhập cá nhân; bà chỉ bán đất cho bà Nhiên và người bạn chứ không bán cho ai khác; bà không đến xã để làm thủ tục chứng thực hợp đồng. Phía người mua thì cho biết: Họ không trực tiếp giao dịch với chủ đất; họ đã ký trước vào bản hợp đồng do người trung gian soạn và cũng không đến xã để làm thủ tục chứng thực hợp đồng.
Bà Nhiên đã bị mất cơ hội làm chủ hợp pháp miếng đất này. Ảnh: Thái Hiếu
Ủy ban kiểm tra huyện ủy kết luận: Ông Lê Văn Hứa, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Bắc, lúc đó đã có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 79/2007 của Chính phủ trong việc chứng thực hồ sơ chuyển nhượng đất trên vào ngày 11-7-2009. Cụ thể, người yêu cầu chứng thực chữ ký đã không ký tên trước mặt người thực hiện chứng thực... Đơn vị này đề nghị UBND huyện hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chủ cũ, đồng thời hủy giấy chứng nhận đã cấp cho người mua theo hợp đồng đó.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Phan Văn Liêm, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, cho biết không thể hủy giấy chứng nhận. Ông Liêm nói: “Do ông Hứa làm sai pháp luật nên về mặt chính quyền, huyện đã cách chức chủ tịch của ông. Huyện chưa thể hủy giấy chứng nhận đã cấp hợp pháp cho người mua vì chưa xác định được đúng, sai trong nội dung của hợp đồng chuyển nhượng. Nếu thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì bà Nhiên có thể khởi kiện ra tòa án”.
Kinh nghiệm đắt giá cho người mua Hiện pháp luật đã có sự phân biệt rạch ròi nhiệm vụ của công chứng viên và UBND cấp xã trong việc chứng hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch; UBND cấp xã chứng thực bản sao, chữ ký. Theo đó, đối với hợp đồng chuyển nhượng đất, một số địa phương như TP.HCM không còn để UBND cấp xã chứng thực mà để cho các cơ quan công chứng chứng nhận nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chính xác. Không rõ Long An đã có sự chuyển đổi nào về việc chứng thực của UBND xã nhưng xem ra cách xử lý như đã nêu của một chủ tịch xã có nhiều bất ổn, dễ gây hậu quả cho người khác. Có lẽ Sở Tư pháp tỉnh này nên sớm tham mưu việc chấn chỉnh bởi đối với hợp đồng chuyển nhượng đất thì không thể đơn thuần là chứng thực chữ ký mà phải bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng. Về phía người mua đất, do đất đai là tài sản có giá trị lớn nên việc chuyển nhượng cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật thì mới hạn chế được rủi ro. Có thể vì quá đơn giản hay muốn né thuế trong lần chuyển nhượng tiếp sau, nhiều người đã không đi công chứng hợp đồng, không đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện để làm thủ tục sang tên. Thế nhưng khi chỉ giao dịch bằng giấy tay thì người mua không được pháp luật xem là chủ sử dụng đất hợp pháp và khi có phát sinh rắc rối thì người mua sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi một cách tuyệt đối. Trong vụ việc cụ thể nêu trong bài, giải pháp UBND huyện tự hủy hợp đồng chuyển nhượng đất và giấy đỏ của người mua e khó thực hiện. Vì người mua đã tiếp tục chuyển nhượng đất và đất đó giờ thuộc về những người mua mới ngay tình, hợp pháp. Có lẽ nếu muốn đòi lại số tiền đã đưa khi mua đất, bà Nhiên có thể khởi kiện người bán và người bạn ra TAND cấp huyện để được cơ quan này xem xét, giải quyết vụ án theo thẩm quyền. Luật sư Trần Công Ly Tao |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: