Đó là mong muốn của đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng về Luật xây dựng sửa đổi tại Phiên họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức ngày 4/9.
Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) gồm 10 chương, 150 Điều. Cụ thể, gồm những quy định chung; quy hoạch xây dựng; dự án đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng; giấy phép xây dựng; xây dựng công trình; chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng; trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước. Mục tiêu Luật Xây dựng (sửa đổi) là tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật hướng đến việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước…
Đánh giá về Dự thảo, các đại biểu cho rằng Luật Xây dựng (sửa đổi) đã kế thừa những kết quả đạt được của Luật Xây dựng năm 2003 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, đồng thời, cơ bản khắc phục những tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong quá trình thực hiện. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng Dự thảo Luật có được bước tiến rất tích cực, bảo đảm cho ngành xây dựng phát triển trong tương lai. Nội dung của Luật đã tăng cường quản lý của Nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Đồng quan điểm, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài Chính Trịnh Văn Tuấn cho biết, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều nội dung phù hợp và thuận lợi cho người quản lý và đối tượng thực hiện. Đặc biệt, tại Điều 4, Ban soạn thảo đã phân biệt rõ các nguồn vốn để có những biện pháp quản lý cho phù hợp, kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc tiền kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Dự thảo cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò về quản lý nhà nước, nêu rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành đến đâu, kể cả các vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét không nhất thiết phải quy định nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng tại Điều 140 mà nên hợp nhất với Điều 142, có nội dung phù hợp với tiêu đề trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của UBND các cấp bao gồm cấp tỉnh, huyện và xã thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng như ban hành văn bản theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật; bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng cho đầy đủ hơn như tổ chức xây dựng, chỉ đạo thực hiện, rà soát chiến lược, đề án, quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các đối tượng có phạm vi không gian từ 2 tỉnh trở lên… Đối với trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 144) nên bổ sung quy định trách nhiệm thanh tra, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng theo thẩm quyền.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy hoạch xây dựng; về thẩm định dự án xây dựng, Điều 48; về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Điều 53,55; về giấy phép xây dựng…
Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Luật Xây dựng (sửa đổi). Luật Xây dựng (sửa đổi) không phải chỉ làm cho ngành xây dựng, mà là vì sự phát triển của đất nước. Bộ Xây dựng là Ban soạn thảo, nhưng rất cần có sự đóng góp của các chuyên gia, các bộ, ngành cũng như các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và ý kiến của người dân để hoàn thiện Dự án Luật.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và của người dân để Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ có hiệu quả, có sức sống, có tuổi thọ 10 - 15 năm sau.
Dự kiến, Luật xây dựng (sửa đổi) sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu tới và thông qua vào Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII.