Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Giải trình về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật về nhà ở. Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở.
Điểm đáng lưu ý là Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân.
Luật cũng chưa có quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Hơn nữa, quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở trong Luật chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm các quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình đối với nhà ở.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong sửa đổi Luật Nhà ở, việc phát triển nhà ở phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tuân thủ quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của mỗi địa phương; phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở...
Chính phủ đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 chương với 178 điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có 9 chương với 153 điều thì dự thảo Luật này tăng thêm 4 chương và 25 điều.
Về cơ bản, các ý kiến tán thành với quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị dự thảo Luật cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm tạo lập nhà ở trước hết là trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân tạo lập nhà ở, cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần thể hiện được quan điểm bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỳ lại, trong trường hợp thực sự cần có những quy định mới so với hiện hành thì có thể quy định trong Luật này nhưng bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được mở rộng hơn so với Luật hiện hành, theo đó ngoài nhà ở riêng lẻ thì các công trình xây dựng để khai thác, cho thuê, như ký túc xá của sinh viên, công nhân, khách sạn, nhà nghỉ trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ thể thao và trong các khu dân cư hiện hữu, thậm chí là doanh trại quân đội, doanh trại công an đều được coi là nhà ở và chịu sự điều chỉnh của Luật này. Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự thảo Luật đề nghị cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ quy định những nội dung đặc thù về nhà ở mà luật khác không điều chỉnh, như việc phát triển nhà ở, các quyền về nhà ở của người dân, quan hệ mua bán, trao đổi, cho thuê, thế chấp... dưới góc độ quan hệ dân sự trong nhân dân, tiếp tục rà soát để sửa đổi những nội dung chưa phù hợp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về mua bán nhà ở trong dự thảo Luật để không quy định lại hoặc quy định mâu thuẫn với dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị vấn đề giao dịch nhà ở nên quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản.
Đánh giá có nhiều chính sách nhà ở được đưa vào dự thảo luật, có đại biểu đề nghị cần cân nhắc nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách này, đồng thời tập trung ban hành khung chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển nhà ở.
Bàn về Quỹ phát triển nhà ở xã hội, Điều 69 dự thảo Luật quy định Quỹ phát triển nhà ở xã hội là tổ chức tài chính nhà nước của địa phương do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập để hỗ trợ vốn cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội và các đối tượng được tham gia phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn hình thành Quỹ này gồm vốn thu từ 10% tiền sử dụng đất của địa phương, vốn từ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, vốn ngân sách địa phương cấp hàng năm cho Quỹ, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái, tiền gửi tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng hiện nay đang có quá nhiều loại quỹ khác nhau và đánh giá “càng nhiều quỹ càng làm phân tán nguồn lực.” Quan điểm của đại biểu là cần hạn chế bớt các loại quỹ, nhất là các quỹ từ ngân sách nhà nước đồng thời đại biểu đề xuất cần có một số quy định ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và có những ràng buộc để họ phải thực hiện trách nhiệm của mình.
Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị cần phân tích sự có mặt của quỹ này khác gì với sự tham gia của ngân hàng chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn để làm nhà. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần thiết có quỹ này nhưng lưu ý tới việc quản lý như thế nào cho hợp lý...
Nhiều ý kiến tán thành với những cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.
Đại biểu Phùng Quốc Hiển đề nghị các đối tượng nhà ở xã hội phải được quy định chặt chẽ, phải thực sự có khó khăn về nhà ở. Theo đại biểu quy định chung chung thì đối tượng trong diện này sẽ rất lớn, gặp khó khăn về tài chính trong quá trình thực hiện.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích làm rõ hơn các vấn đề về nhà ở công vụ; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: