Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Luật Đất đai 2013) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày mai 29-11. Đây là bộ Luật đã tạo nên một tiền lệ chưa từng có khi đã trải qua 3 kỳ họp vẫn có đại biểu kiến nghị nên lùi thời gian thông qua và không ít ý kiến băn khoăn, lo lắng. Chính điều này đã khiến giờ G đã điểm nhưng dự luật quan trọng này vẫn tiếp tục là một ẩn số.
Trên thực tế, những khuyết điểm của dự thảo Luật Đất đai đã được chỉ ra rất rõ. Những điểm mấu chốt và quan trọng như thu hồi đất, bồi thường, định giá đất... chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và kỳ vọng của nhiều đại biểu Quốc hội, chưa tạo ra những đột phá.
Dự thảo Luật nếu được thông qua và đi vào thực tế được đánh giá là không tạo ra nhiều biến đổi khác biệt liên quan đến những tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai. Thậm chí một chuyên gia BĐS đã cho rằng, dự luật có nhiều điểm đổi mới, tiến bộ nhưng nếu so với những kỳ vọng người dân đặt ra còn quá xa mới có thể chạm tới.
Đã qua 3 kỳ họp, thậm chí ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã phải dành thêm một phiên thảo luận nằm ngoài dự kiến để các đại biểu có thể mổ xẻ một cách kỹ càng, nhưng cho đến nay dư âm cuối cùng dành cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn lấn cấn.
Trước đó, trong 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, nhiều ý kiến chưa thật đồng tình với quy định thu hồi đất của dự án Luật Đất đai sửa đổi. Cùng với đó là các quy định về định giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
Theo nhiều chuyên gia, dưới một góc độ khác, phải thừa nhận rằng để hóa giải tất cả vướng mắc hiện nay của Luật Đất đai là điều rất khó thành hiện thực, ngay cả việc vướng đâu gỡ đó. Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ khiếu kiện về đất đai luôn ở mức trên dưới 70% và kéo dài từ năm này sang năm khác.
Từ công tác quản lý, cán bộ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đến những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là mục đích thu hồi đất. Chính vì vậy, những quy định trong Luật Đất đai sửa đổi chỉ đóng vai trò “khung”, không thể giải quyết hết những vấn đề liên quan đến đất đai nảy sinh trong cuộc sống.
Chính vì những lý do như trên, sự chú ý dành cho Luật Đất đai sửa đổi càng trở nên gia tăng. Thông qua tại kỳ họp thứ 6 sau những cân nhắc và bàn cãi với một tâm thế chưa hoàn toàn thoải mái hay tiếp tục lùi như ý kiến của một đại biểu Quốc hội hiện vẫn còn để ngỏ.
Tuy nhiên, dù có phương án nào xảy ra mong ước của người dân vẫn là có một chính sách ổn định, hợp lý để có thể gắn bó lâu dài, sinh kế trên mảnh đất mà cha ông đã để lại. Mong ước đó xứng đáng được tôn trọng và lắng nghe.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: