Trong đó, vấn đề nhà TĐC trong quá trình đi vào sử dụng đã có nhiều bất cập về chất lượng, dịch vụ, còn đơn vị quản lý vẫn loay hoay khi chưa tìm được mô hình quản lý tối ưu là vấn đề được chỉ ra.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Hiền
Theo Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Ngọc Minh, hiện Công ty đang gặp khó khăn trong quản lý chung cư TĐC do chưa bầu được Ban quản trị theo quy định; thiếu nguồn kinh phí bảo trì hàng năm do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trích 2% từ tiến bán nhà TĐC để duy tu, bảo trì. Việc áp dụng mô hình quản lý nhà chung cư TĐC theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quy chế quản lý là chưa phù hợp. Hiện các khu nhà chung cư do Công ty quản lý chưa bầu được Ban Quản trị theo quy định của pháp luật. Đề án thí điểm quản lý vận hành khai thác nhà TĐC khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã qua 2 năm thực hiện, đang được Công ty sơ kết rút kinh nghiệm, trình UBND TP xem xét mô hình quản lý phù hợp áp dụng chung cho nhà chung cư TĐC.
Đoàn giám sát đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong việc trích 2% từ tiền bán nhà TĐC để sử dụng cho công tác bảo trì sửa chữa; chưa thành lập Ban Quản trị các nhà chung cư theo Luật song trên thực tế số tiền này đã hòa chung vào ngân sách. Hiện Sở Tài chính vẫn chưa bóc tách được cụ thể số lượng các căn hộ TĐC có hay không áp dụng việc trích 2% tiền bán nhà. Cùng với đó, thang máy, điện nước tại các tòa nhà hỏng việc sửa chữa rất chậm. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh: Sử dụng tiền 2% phải thành lập Ban Quản trị của tòa nhà, phải có ý kiến của các hộ, nhưng do chưa thành lập được Ban Quản trị, nên chưa thực hiện được. Chất lượng nhà xuống cấp nhanh, chưa được sửa chữa kịp thời vì tiền thu dịch vụ tầng 1 không đủ chi. Giải thích này đoàn giám sát cho là không thuyết phục và đề nghị làm rõ vì sao chưa thành lập được Ban Quản trị tòa nhà.
Giải thích về hơn 2.000 căn hộ TĐC hiện vẫn còn trống, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Đây là các căn hộ đã được TP chấp thuận cho các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách. TP cũng có quy định sau 12 tháng nếu các chủ đầu tư chưa bàn giao cho dân sẽ ưu tiên bố trí cho các dự án cấp bách hơn. Đơn cử, đã có 600 căn được điều chỉnh bố trí phục vụ GPMB dự án đường Vành đai 1.
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhận định, các đơn vị chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, nếu thấy Quyết định 08 không phù hợp, phải đưa ra kiến nghị, không thể vì chờ sửa quyết định mà các hộ dân không được quan tâm, tòa nhà không được quản lý, duy tu, sửa chữa. Đồng thời đề nghị, rà soát hơn 2.000 căn hộ đã có chủ nhưng bỏ trống do dự án chưa triển khai GPMB, tránh lãng phí thất thoát. Phối hợp, hoàn thiện hạ tầng, các dịch vụ tiện ích và công cộng, cơ chế quản lý để phục vụ cuộc sống người dân.
* Ngày 26/9, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP tiếp tục khảo sát tình hình thu, chi học phí và các khoản thu khác ngoài học phí năm học 2012 - 2013 tại thị xã Sơn Tây.
Theo báo cáo của lãnh đạo thị xã Sơn Tây, hiện tại các trường học trên địa bàn mới dự kiến các khoản thu, mức thu, chưa triển khai thu bất cứ khoản nào (trừ tiền ăn ở các trường có tổ chức học bán trú). Thị xã cũng đã có hướng dẫn tạm thời việc thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí tại các trường công lập, trong đó quy định rõ đâu là khoản thu hộ, khoản thu thỏa thuận, khoản đóng góp tự nguyện. Riêng với khoản đóng góp tự nguyện, các trường phải báo cáo Phòng GD&ĐT xin chủ trương và sau khi Phòng đồng ý mới được vận động. Sau khi làm việc với UBND thị xã Sơn Tây, đoàn đã đến khảo sát đột xuất trường THCS Ngô Quyền.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: