Dự án Khu du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu mới đưa vào hoạt động khu du lịch Hồ Mây, chưa triển khai các hạng mục còn lại theo giấy chứng nhận đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu du lịch Hồ Mây.
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh luôn chú trọng đến việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án nhằm kịp thời xử lý những dự án chậm triển khai hoặc triển khai cầm chừng, gây lãng phí tài nguyên đất và làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Sau hơn 5 năm quyết tâm xử lý, đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 69 dự án chậm triển khai. Nhưng trong số này, có nhiều dự án, lãnh đạo các địa phương không liên lạc được với nhà đầu tư để yêu cầu báo cáo tiến độ.
Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ thông tin, TX. Phú Mỹ có 10 dự án chậm triển khai, trong đó có 6 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở và 4 dự án ngoài KCN. Một số dự án do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khó khăn trong huy động vốn, chưa thu hút được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư chưa tập trung triển khai dự án… Đơn cử như dự án Khu đô thị và dịch vụ Tóc Tiên, nhà đầu tư không báo cáo tiến độ và tình hình triển khai dự án, không phối hợp với Sở Xây dựng khi được mời làm việc để tháo gỡ khó khăn. UBND TX. Phú Mỹ kiến nghị thu hồi dự án. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là DN có dự án không báo cáo tiến độ thực hiện hoặc báo cáo về vướng mắc để cơ quan thẩm quyền hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết”, ông Long nói.
Dự án CCN Hòa Long, TP. Bà Rịa được chủ đầu tư kiến nghị giãn tiến độ để bổ sung thêm một số hạng mục.
Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tính từ thời điểm lập phương án xử lý dự án chậm triển khai năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện chấm dứt hoạt động 179 dự án, trong đó có 54 dự án trong KCN, 125 dự án ngoài KCN. UBND tỉnh đã đồng ý giãn tiến độ cho 93 dự án để nhà đầu tư tiếp tục triển khai (12 dự án trong KCN, 81 dự án ngoài KCN).
Trong số các dự án chấm dứt hoạt động, UBND tỉnh tiếp tục giữ quy hoạch để thu hút đầu tư 101 dự án, 12 dự án đã được hủy quy hoạch, trả lại hiện trạng đất cho người dân sử dụng. Riêng 81 dự án ngoài KCN giãn tiến độ, các nhà đầu tư đã có cam kết và chứng minh được khả năng thực hiện, 55 nhà đầu tư đã thực hiện ký quỹ đầu tư đảm bảo thực hiện dự án với số tiền ký quỹ hơn 281 tỷ đồng, 9 dự án hoãn ký quỹ do nhà đầu tư đã đưa vào hoạt động một phần dự án hoặc đất trúng đấu giá.
Hiện nay, các dự án chậm triển khai, chủ yếu do một số chủ đầu tư không có năng lực về tài chính. Điều này cho thấy, việc thẩm định các dự án, sàng lọc các nhà đầu tư thời gian qua còn hạn chế. Mà hạn chế lớn nhất chính là việc thẩm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư căn cứ chủ yếu vào hồ sơ, tài liệu được cung cấp; thiếu sự thẩm tra, xác minh trên thực tế. “Đến cuối năm 2020, sẽ chấm dứt hoạt động đối với 12 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai và 1 chủ trương đầu tư; giãn tiến độ đầu tư cho 7 dự án và điều chỉnh tiến độ đầu tư 5 dự án...”, ông Nguyễn Công Vinh thông tin thêm.
Tại cuộc họp bàn giải pháp xử lý các dự án chậm triển khai diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở KH-ĐT cập nhật chính xác số liệu dự án chậm triển khai; bổ sung, cập nhật thông tin chi tiết về dự án, trong đó thống kê, rà soát về diện tích, địa bàn, lĩnh vực.
UBND tỉnh cũng giao cho Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành và địa phương tích cực rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các DN đã được giao đất thực hiện dự án, để kịp thời có giải pháp xử lý nhằm tránh lãng phí đất đai cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân. Theo đó, nếu chủ đầu tư không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng sau khi đã được gia hạn sử dụng đất sẽ phải xem xét thu hồi dự án. “Đối với các dự án vướng mắc, gia hạn, giãn tiến độ phải gắn trách nhiệm của sở, ngành và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: