Trong những tháng gần đây, lượng phôi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang tăng mạnh đã tác động xấu tới thị trường thép trong nước.
Cán phôi thép tại Nhà máy cán thép Thái Trung (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên). (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Đặc biệt là việc tái diễn gian lận thương mại, nhập khẩu thép “đội lốt” thép hợp kim để hưởng chênh lệch thuế suất.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các đơn vị sản xuất thép cán sẽ khó đứng vững trong tương lai.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam tính đến ngày 15/9/2015 là hơn 1,13 triệu tấn, trị giá trên 421 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 75% tổng lượng phôi nhập cả nước. Nhiều công ty thương mại đã nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom (Crom từ 0,3% trở lên) với mã HS 7224.90.00 để hưởng thuế suất 0%, thay vì chịu thuế suất 9% như thép xây dựng thông thường mã HS 7207.11.00.
Chỉ tính riêng trong tháng 9 năm 2015, lượng phôi thép kê khai mã HS 7224.90.00 nhập từ Trung Quốc là hơn 62.000 tấn, trị giá hơn 20 triệu USD. Với mức chênh lệch thuế giữa 2 mã hàng hóa, số tiền thất thu ngân sách nhà nước là khoảng 42 tỷ đồng.
Hiệp hội Thép cho hay, về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ Crom sẽ không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng thông dụng.
Tương tự như trước năm 2014, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu rất nhiều thép xây dựng hợp kim chứa hàm lượng rất nhỏ Boron để trốn thuế và vẫn dùng như thép xây dựng.
Trước phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam và các nhà sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Đông Nam Á áp dụng các biện pháp phòng vệ, Chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách hoàn thuế đối với một số sản phẩm thép hợp kim chứa Boron từ đầu năm 2015.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thay thế Boron bằng Crom để tiếp tục được hưởng hoàn thuế khi xuất khẩu. Khi vào Việt Nam, các sản phẩm thép Crom này còn được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán rất thấp.
Ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay, với công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn, các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất cầm chừng 60% công suất.
Song lượng phôi thép giá rất thấp từ Trung Quốc về Việt Nam đã và đang đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh và duy trì sản xuất, dẫn đến bị thua lỗ nặng.
Theo ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, hiện tại mỗi tháng Việt Nam cần khoảng 500.000 tấn phôi thép để sản xuất thép xây dựng, tương đương 6 triệu tấn/năm.
Nếu hành vi gian lận này không được ngăn chặn thì chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ nhu cầu phôi thép này sẽ được thay thế bằng phôi nhập khẩu mạo danh hợp kim chứa Crom.
Điều này sẽ gây thất thu ngân sách rất lớn, khoảng hơn 3.600 tỷ đồng thuế nhập khẩu mỗi năm kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng vọt, tiêu tốn hàng tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Nghiêm trọng hơn là sẽ đánh trực tiếp vào ngành luyện kim của Việt Nam, ngành sản xuất phôi thép được nhà nước khuyến khích đầu tư. Đồng thời, buộc các nhà sản xuất phôi thép từ quặng sắt, phế liệu đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và luyện kim Việt Trung, ông Bùi Thanh Bình bày tỏ, giá phôi thép từ Trung Quốc giảm mạnh từ 320 USD/tấn xuống còn 260 USD/tấn, cùng với các gian lận thương mại từ các đơn vị kinh doanh thép đã gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Trong tháng 9 và 10, sản lượng tiêu thụ của công ty Việt Trung đã bị giảm 50% so với những tháng trước đó, dẫn đến tồn kho hơn 40.000 tấn. Việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Rõ ràng, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xuất khẩu do nhu cầu trong nước suy giảm, dự kiến mỗi năm xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép, thì đây sẽ là vấn đề rất đáng lo ngại.
Do đó, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành thép đều cho rằng, các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng ngăn chặn hành vi trốn thuế, gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh để tránh thất thu ngân sách và bảo vệ ngành thép trong nước.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, trong khi chờ đợi văn bản mới thay thế, Thông tư liên tịch số 44/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu vẫn đang có hiệu lực.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố hợp kim Crom theo quy định.
Đồng thời, liên Bộ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa Crom trong thời gian qua. Nếu phôi thép được sử dụng để cán thép xây dựng thông thường thì đề nghị truy thu thuế và xử phạt thật nặng các đơn vị nhập khẩu.
Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hiệu quả việc nhập khẩu thép hợp kim nhưng chỉ sử dụng vào các mục đích thông thường; trong đó có phôi thép hợp kim.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cũng kiến nghị, ngoài sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 44 và kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp để truy thu thuế, xử phạt thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn công tác kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cố gắng hoàn thiện Dự thảo thông tư thay thế Thông tư liên tịch 44, để trình lãnh đạo 2 Bộ xem xét, ban hành, nhằm giải quyết tình trạng thép giá rẻ nhập khảu ồ ạt vào Việt Nam.
Nhưng các thông tư, văn bản này không phải đũa thần để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thép giá rẻ vì với giá thép vô cùng rẻ tràn vào, gần như các công cụ kỹ thuật là không có tác dụng ngăn chặn.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, bản thân doanh nghiệp cần nắm chắc những biện pháp tự vệ thương mại cũng như nâng cao hiểu biết về phòng vệ. Đồng thời sớm hoàn thiện hồ sơ để có thể nghiên cứu và áp dụng các biện pháp tự vệ này theo đúng quy định.../.