Nhếch nhác vì 'văn hóa mặt tiền'

"Kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho Tp. HCM còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.

"Kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho Tp. HCM còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé, cứ lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong giai đọan lịch sử nào cũng rất nhanh.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay quy hoạch của nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, và việc xây dựng tự phát là do người dân chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ quy họach của nhà nước. Kết quả là sự tùy tiện phát triển các khu dân cư xen lẫn thương mại, khu sản xuất... là rất rõ.

"Làng trong phố"

Có thể dùng cụm từ "làng trong phố" để hình dung về tính chất văn hóa nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện cho lao động phi chính thức phát triển: từ việc buôn bán trong những chợ "chồm hỗm", "chợ đuổi"... đến một "nền kinh tế vỉa hè": buôn bán cố định/ di động, sản xuất, dịch vụ... Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, "kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho thành phố còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.

Việc sử dụng vỉa hè, lòng lề đường, để kinh doanh, buôn bán, thậm chí sản xuất, làm các dịch vụ như giữ xe... còn xuất phát từ chính nhận thức của người dân. Nhiều người dân thành phố có quan niệm vỉa hè, lòng lề đường thuộc sở hữu của chủ nhà có mặt tiền đường. Và để có một chỗ buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè trước mặt nhà không phải của mình đều phải được sự cho phép của chủ nhà, và phải đóng một khoản tiền "thuê chỗ" hàng tháng.

Những năm gần đây, thành phố có chủ trương phát triển nhiều trung tâm để phân tán mức độ tập trung. Ở nhiều quận, do chưa hình thành các khu mua bán lớn, lại bị phân tán theo các trục đường và lề đường.

Quy hoạch khu hành chính, trường học, chợ, cửa hàng... đều không theo khu vực "ô phố", đặc trưng của đô thị, mà vẫn phân tán theo mặt tiền một số con đường chính nên làm việc gì người dân cũng phải "xuống đường". Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức phổ biến nhất ở TP Hồ Chí Minh là buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi với các loại hàng hóa giá rẻ. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.

Cùng với đó, "Văn hóa mặt tiền" trở thành "đặc trưng" mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh. Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và "đua nhau" ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó, ở các nước, mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân.

Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy:

Thứ nhất, quy hoạch và quản lý kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí làm cho hình thức kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá. Đường Nam Kỳ khởi nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình.

Thứ hai, những đường cao tốc mới xây dựng lại không thể lưu thông với tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, không có khoảng lùi an toàn và cảnh quan cần thiết, làm giảm hiệu quả xây dựng và đầu tư.

Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố, và phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của "cung và cầu". Xe cá nhân còn phát triển thì người sử dụng còn nhu cầu mua bán ngay ở vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân. Các nhà quản lý và điều phối giao thông thấy được điều này nhưng khó mà giải quyết.

Vỉa hè còn được chủ tận dụng làm nơi bán chỗ ngủ qua đêm cho khách.

Ảnh: Tá Lâm/ VNE

Hạn chế tiêu cực của "kinh tế vỉa hè"

Ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nếu phương tiện giao thông công cộng phát triển, tiện lợi, phù hợp nhu cầu, tạo điều kiện cho người dân có thói quen sử dụng xe công cộng, thay vì xe cá nhân, nhu cầu "mua bán nhanh tiện lợi" sẽ chuyển đến các đầu mối giao thông, như bến tàu xe, trạm xe bus, ga xe điện ngấm, bãi giữ xe hơi... Có nghĩa là những trung tâm mua bán, dịch vụ... sẽ được thiết lập ở đó.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất "giao thông đô thị", bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của "kinh tế vỉa hè" tác động đến nếp sống văn minh đô thị?

Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy hoạch đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. "Văn minh đô thị" sẽ có bộ mặt mới.

Mặt khác cũng cần thấy rằng, những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ hiện nay còn phù hợp với tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả... của phần lớn người dân thành phố. Hơn nữa, nó còn được xem giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân nghèo, hộ thu nhập thấp, vì vậy cần tổ chức và tăng cường mạng lưới cửa hàng nhỏ lẻ trong các khu vực tập trung dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số dân cư.

Cũng vậy, việc hạn chế và lọai bỏ các loại xe thô sơ 3, 4 bánh - phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính toán thấu đáo khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.

Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng nếp sống văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, loại hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. Trong việc này vai trò quản lý và điều phối của nhà nước là chủ đạo, không thể trông chờ người dân tự giải quyết mà chỉ có thể kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp và ý thức cộng đồng.

Do đó, người nhập cư và vấn đề việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, bên cạnh góc độ kinh tế, góp phần tìm ra giải pháp cải thiện đời sống của cư dân, và phát triển những lợi ích của khu vực kinh tế phi chính thức.

TS Nguyễn Thị Hậu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24