Nhà máy lớn, công nghệ hiện đại chưa chắc đã sử dụng tài nguyên hiệu quả do những hạn chế về nguồn nhân lực khi tiếp thu công nghệ mới. Đó là nhận xét được các chuyên gia của Cơ quan Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra sau khi khảo sát hiện trạng 18 doanh nghiệp ngành thép.
Trong số các doanh nghiệp tham gia đợt khảo sát này có các doanh nghiệp của Tổng công ty Thép Việt Nam, Thép Việt - Ý, Pomina, Hòa Phát. Ông Chu Đức Khải, chuyên gia của UNIDO cho hay, tại Việt Nam, tiêu thụ thép đạt khoảng 140 kg/người, kém cả chục lần so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hoà Czech, Italy. Vì vậy, dư địa để phát triển ngành thép vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra sự kém cạnh tranh của sản xuất thép ở Việt Nam, khi các chỉ số như thời gian luyện, tiêu hao điện, điện cực, thép phế để sản xuất ra 1 tấn thép đều bỏ rất xa mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, năng suất lao động lại thấp hơn nhiều (xem bảng).
“Chỉ có 3/18 doanh nghiệp khảo sát có mức tiêu hao năng lượng cần thiết để sản xuất được 1 tấn phôi ở trong khoảng cạnh tranh của thế giới, từ 1,6-2,4 GJ/tấn. Ngoài ra, công tác chuẩn bị nguyên liệu đầu vào để luyện phôi của các doanh nghiệp cũng được chỉ ra là chưa tốt khi thời gian tiếp mẻ dài. Thậm chí, có doanh nghiệp tiêu hao tới 300 kg than coke để sản xuất 1 tấn thép cán, khiến năng lượng tiêu hao để làm ra 1 tấn thép lên tới 16 GJ là quá nhiều. Tại doanh nghiệp này, cường độ phát thải khí nhà kính cũng rất lớn, tới 1.500 kg CO2/tấn phôi, trong khi mức trung bình của thế giới là 900 kg CO2/tấn phôi”, ông Khải nói.
Phương thức sở hữu, quản lý doanh nghiệp cũng được các chuyên gia cho là tác động không nhỏ tới việc tiêu hao năng lượng. Có 9 doanh nghiệp tư nhân tiêu hao năng lượng ít nhất trong quá trình sản xuất là dưới 3 GJ/tấn thép, trong khi các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều tiêu hao trên 3 GJ/tấn thép.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, Việt Nam hiện chưa có chuẩn tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, nước cần thiết để sản xuất thép. Vì vậy, để định hướng các doanh nghiệp giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng hay nước trong quá trình sản xuất thép sẽ có những khó khăn nhất định.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá là đã quan tâm nhiều cho hoạt động sản xuất và vấn đề môi trường khi ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, như tăng giá nước, năng lượng, nguyên liệu, hay mức độ quan tâm ngày càng lớn từ phía chính quyền và người dân về kiểm soát ô nhiễm trong ngành thép. Dẫu vậy, vẫn còn 50% bãi thép phế chưa được bê tông hóa, chất thải rắn như xỉ, bụi, chưa được tái chế, tận thu. Đặc biệt, vấn đề giảm thiểu các chất hữu cơ khó phân hủy như U-POP-dioxin/Furan/PCB phát sinh không chủ định chưa được quan tâm đúng mức.
Việc chưa chú tâm nhiều vào môi trường cũng xuất phát từ thực tế nhiều doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ, công suất chỉ 200.000-500.000 tấn/năm. Vì vậy, nếu đầu tư mạnh cho môi trường thì chi phí sản xuất thép sẽ bị đội lên và giá bán khó cạnh tranh.
Ông Khải cho hay, khảo sát của UNIDO và VSA mới là bước đầu và kết quả đã được gửi cho doanh nghiệp để theo dõi. Việc đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp ngành thép không dễ bởi nhu cầu vốn không nhỏ. Vì vậy, công việc tiếp theo sẽ là lập ra Nhóm hoạt động Công nghiệp Xanh trong ngành thép nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cải tiến các hoạt động sản xuất, giảm tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất thép. Tuy nhiên, công văn doanh nghiệp cử người tham gia Nhóm cũng vừa mới được gửi tới các doanh nghiệp, nên vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể để Nhóm bắt đầu làm việc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: