Lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng, Vietcombank chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND tính từ khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua, đưa mức lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank kể từ ngày 6/5/2013 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của NHNN mức kỷ lục là 1,5%/năm.
Cụ thể, theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này ở mức 1%/năm nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng được tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng mà không áp dụng mức trần 7,5%/năm.
Sau khi chủ động giảm khá mạnh lãi suất huy động, mức lãi suất huy động tại Vietcombank hiện thấp nhất khi đa số các ngân hàng huy động tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng ở kịch trần 7,5%/năm và trên 12 tháng giao động quanh mức 10%/năm.
Song hành với việc giảm lãi suất huy động, Vietcombank cũng giảm mạnh lãi suất cho vay, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Vietcombank cũng cho biết, hiện ngân hàng đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Về động thái này, ông Nguyễn Phước Thanh – Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, việc giảm lãi suất, nhìn từ góc độ nào đó về ngắn hạn ít nhiều đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vietcombank. “Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp vẫn khát vốn hiện nay, chúng tôi cho rằng việc giảm lãi suất huy động để làm tiền đề giảm lãi suất cho vay là cần thiết để khơi thông dòng vốn. Doanh nghiệp có khoẻ thì nền kinh tế mới mạnh, và hoạt động của ngân hàng mới thông suốt và ổn định” – ông Thanh nói – “Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng giảm lãi suất cho vay thì tín dụng sẽ đưa ra được nhiều hơn, giúp nền kinh tế nói chung, cộng đồng DN nói riêng khởi sắc hơn, dẫn đến các hoạt động dịch vụ của ngân hàng phát triển tốt hơn, từ đó bù đắp ngược lại cho hoạt động tín dụng”.
Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc một doanh nghiệp cơ khí tại Hà Nội, cho rằng, lãi suất cho vay phải kéo xuống mức 9-10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh có lãi. Còn ông Nguyễn Hữu Đường – Tổng giám đốc Cty TNHH Hòa Bình, thì cho rằng, DN trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với DN nước ngoài vì lãi suất cho vay ở các nước chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam.
Theo như thông lệ thị trường trong thời gian gần đây, việc giảm lãi suất của một ngân hàng dù lớn hay nhỏ ít nhiều cũng khiến các ngân hàng khác phải lưu tâm phân tích và đánh giá. Các chuyên gia đang hy vọng rằng, động thái tiên phong của một trong những ngân hàng lớn nhất nước là Vietcombank không những tạo yếu tố cạnh tranh, mà còn đưa ra “tiền đề” để các ngân hàng mạnh dạn sắp xếp, tiết kiệm chi phí, nhằm giảm hơn nữa lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: