Kinh tế Việt Nam: Gỡ nút thắt để tăng trưởng bền vững

NoiThatXhome.vn - Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt trên 7%, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 80 tỉ USD, tỷ giá ổn định. Đó là những chỉ số kinh tế vĩ mô nổi bật và tích cực trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều đám mây đen bao phủ. Như vậy, khác với nhiều dự báo trước đó, “lời nguyền” khủng hoảng chu kỳ 10 năm của kinh tế Việt Nam đã không xảy ra.

NoiThatXhome.vn - Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt trên 7%, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 80 tỉ USD, tỷ giá ổn định. Đó là những chỉ số kinh tế vĩ mô nổi bật và tích cực trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều đám mây đen bao phủ. Như vậy, khác với nhiều dự báo trước đó, “lời nguyền” khủng hoảng chu kỳ 10 năm của kinh tế Việt Nam đã không xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đó, giới chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại khi một trong những yếu tố tạo nên kỳ tích là do có dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc đổ vào và vẫn còn nhiều nút thắt về hạ tầng, thể chế. Ngoài ra, ảnh hưởng từ những rạn nứt trong nền kinh tế Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Thăng hoa và thoát được lời nguyền suy thoái

Chỉ mới cách đây vài năm, trong lúc nền kinh tế còn tăng trưởng rất tốt đã có không ít chuyên gia lo ngại về “lời nguyền 10 năm” sẽ xảy ra với kinh tế Việt Nam. Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi chu kỳ kinh tế 10 năm đã xảy ra với Việt Nam ba lần trước đó. Đặc biệt là năm 2009, khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng. Ngoài ra, bối cảnh thế giới cũng đang ủng hộ xu thế này khi mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra quyết liệt và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu lên ngôi.

Trước sóng gió của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng rất tốt. GDP năm 2019 đã tăng được 7,02%. Mặc dù mức tăng này thấp hơn mức 7,08% của năm trước do lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn, nhưng các lĩnh vực khác như công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao hơn so với năm 2018. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đạt mức tăng trưởng 8,9%, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay; lĩnh vực dịch vụ đạt mức tăng 7,3%, cao hơn mức 7,03% năm trước. Việt Nam được IMF đánh giá là một trong 15 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2019.

Không chỉ tăng trưởng kinh tế cao, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng khá tích cực. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 8%, gấp ba lần tốc độ tăng thương mại toàn cầu. Xuất siêu hàng hóa năm 2019 đạt gần 10 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Dù so với hai năm trước, tốc độ tăng xuất nhập khẩu đều giảm nhưng đây là một kết quả hết sức khả quan.

Một chỉ số vĩ mô tích cực khác là bất chấp việc đồng USD lên giá mạnh so với các đồng tiền khác, tỷ giá USD/VND khá ổn định, thậm chí có chiều hướng giảm nhẹ. Dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2019 đạt khoảng 80 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2019 tiếp tục là một năm Việt Nam “bội thu” dòng vốn ngoại. Vốn FDI đăng ký đạt 38 tỉ USD, tăng 5%, vốn giải ngân đạt 20,4 tỉ USD, tăng 7% so với năm trước. FDI đăng ký mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đạt 9,1 tỉ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Góp vốn mua cổ phần có doanh nghiệp đạt khoảng 15,5 tỉ USD, 56% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, là những doanh nghiệp ở châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây được xem là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cho kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm 2019. Bên cạnh sự tích cực của dòng vốn FDI, khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng trở nên năng động hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư khu vực tư nhân từ năm 2017 đến nay liên tục tăng trên 17%/năm, cao hơn nhiều so mức tăng của khu vực FDI và khu vực Nhà nước. Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều tập đoàn tư nhân lớn đa ngành như Vingroup, Hòa Phát, Sun Group, Trường Hải… Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp đang nở rộ cũng góp phần không nhỏ cho sự năng động của nền kinh tế.

Về tình hình tài chính cũng có điểm tích cực. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt khoảng 13%, thấp hơn so với mức 14% của năm trước. Thời gian qua, NHNN cũng đã chủ động trong việc điều hành chính sách tiền tệ để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế. NHNN cũng đưa ra giải pháp siết chặt dòng tiền đổ vào lĩnh vực phi sản xuất, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, định hướng dòng tiền vào lĩnh vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế.

Bên cạnh những kết quả khả quan đó, nền kinh tế cũng bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu đáng lo ngại. Trong hai tháng cuối năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng tăng rất mạnh, đưa lạm phát cả năm lên đến 5,32%, cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.

Bên cạnh đó, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy rủi ro trên thị trường bất động sản đang gia tăng. Năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phải phát hành trái phiếu để huy động vốn với lãi suất rất cao. Nhiều dự án ở TP.HCM và một số tỉnh thành khác bị thanh tra liên quan đến đất công, việc cấp phép dự án mới ngưng trệ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ẩn số dòng vốn ngoại

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2019, tăng gần 20 tỉ USD và đạt mức kỷ lục 80 tỉ USD. Nguyên nhân ngoài việc thặng dư cán cân thương mại 10 tỉ USD còn do Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) lên đến 15,5 tỉ USD, tăng 56% so với năm trước. Trong đó, góp vốn, mua cổ phần vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,08 tỉ USD; kinh doanh bất động sản 2,75 tỉ USD.

Khác với trước đây, dòng vốn này đổ vào thị trường chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư, hiện nay dòng vốn đầu tư gián tiếp đang len lỏi trong nền kinh tế mua lại các doanh nghiệp tư nhân hoặc các dự án bất động sản.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, phần lớn vốn đầu tư gián tiếp này có yếu tố Trung Quốc (Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong). Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc thay vì đầu tư từ đầu vào các nhà máy mới họ thường mua các doanh nghiệp nhỏ hoặc thuê xưởng, đưa máy móc, thiết bị, dây chuyền sang Việt Nam để gia công, sản xuất. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam thông qua việc thâu tóm, mua lại những doanh nghiệp trong nước hoặc mua đất mở trang trại canh tác, tổ chức thu mua nông sản xuất khẩu.

Bất động sản công nghiệp sôi động thời gian qua có nguyên nhân quan trọng từ việc rất nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc đầu tư. Giá thuê nhà xưởng khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An tăng từ mức 2 USD/m2 /tháng cách đây vài năm nay đã lên tới gần 4 USD/m2 /tháng. Phần lớn nhà xưởng xây lên đều được doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhanh chóng.

Nguyên nhân, của sự dịch chuyển mạnh mẽ dòng vốn này là do hiện nay rất nhiều mặt hàng từ Trung Quốc xuất khẩu đi Mỹ bị đánh thuế cao. Do đó, các doanh nghiệp này phải chuyển sang Việt Nam xây nhà máy sản xuất, sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ. Ngược lại, hàng hóa từ Mỹ muốn vào Trung Quốc cũng có thể phải đi qua các doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam.

Bên cạnh thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được lợi khi dùng xuất xứ Việt Nam để bán hàng vào nhiều thị trường mà Việt Nam được ưu đãi thuế như các quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Việt Nam khởi sắc thời gian qua là các dòng vốn đầu tư đến từ Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, phần lớn vốn FDI và FII từ Trung Quốc đầu tư vào khu vực chế biến chế tạo và tăng trưởng khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 13%, mức cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ năm 2019 đạt mức kỷ lục, đạt 60,7 tỉ USD, tăng 27,8%. Các thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 là EU chỉ đạt 41,7 tỉ USD, giảm 0,7%, còn Trung Quốc đạt 41,5 tỉ USD, chỉ tăng 0,2%. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lại lên mức 75,3 tỉ USD, tăng 14,9%. Đây cũng là thị trường lớn duy nhất có mức tăng trưởng nhập khẩu đáng kể trong năm 2019.

Bên cạnh những đóng góp tích cực của dòng vốn này đối với nền kinh tế thì cũng xuất hiện không ít quan ngại. Việt Nam rơi vào tầm ngắm đánh thuế của Mỹ khi xuất khẩu vào quốc gia này tăng vọt. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã mở nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại vào các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cho rằng “nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư rất đơn giản. Có doanh nghiệp thậm chí còn không đầu tư gì nhiều, chỉ thuê đất, sử dụng công cụ sản xuất đơn giản để lắp ráp, rồi xuất khẩu đi Mỹ”.

Ông Lộc đưa ra một ví dụ điển hình là có một công ty 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu. Qua kiểm tra, hải quan phát hiện doanh nghiệp trên nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Doanh nghiệp từ Trung Quốc “mượn đường” của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ tạo rất ít giá trị gia tăng nhưng có thể gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất, thuê nhà xưởng với giá cao trong ngắn hạn. Những doanh nghiệp này có thể rút đi bất kỳ lúc nào khi môi trường kinh doanh thay đổi hoặc giải phóng được hàng tồn kho từ Trung Quốc và sẽ để lại nhiều lỗ hổng trong nền kinh tế.

Bên cạnh những doanh nghiệp “mượn đường xuất khẩu” thì cũng có không ít doanh nghiệp đổ bộ sang Việt Nam vì vấn đề môi trường. Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc ngày càng trầm trọng và chính phủ nước này đang dần siết lại hoạt động của các ngành và doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Chẳng hạn, Trung Quốc đóng cửa dần các nhà máy xi măng, sắt thép, nhiệt điện than, dệt nhuộm gây ô nhiễm. Do đó, hiện đang có làn sóng doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển các máy móc, thiết bị và công nghệ lạc hậu, ô nhiễm sang Việt Nam dưới dạng đầu tư. Bằng chứng cụ thể nhất là trong 9 tháng của năm 2019, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng Việt Nam nhập từ Trung Quốc tăng hơn 27% với 10,6 tỉ USD. Đây chắc chắn sẽ là một rủi ro khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tháo gỡ nút thắt

Trong các báo cáo về triển vọng kinh tế năm 2020, các tổ chức toàn cầu WB, IMF, ADB, OECD đều có chung quan điểm về tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm và rủi ro tiếp tục ở mức cao.

Nguyên nhân, theo các tổ chức này, là chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ còn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là Trung Quốc đang tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm qua. Có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn trong các năm sắp tới do sản xuất suy giảm, doanh nghiệp vỡ nợ và kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam. Báo cáo mới đây ADB nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ mức 6,7% lên mức 6,8%.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng triển vọng ngắn hạn và trung hạn đối với kinh tế Việt Nam là tích cực. Thận trọng hơn, báo cáo của WB nhận định tăng trưởng GDP Việt Nam xoay quanh mức 6,5% trong ba năm tiếp theo, tức thấp hơn mức đạt được năm 2019.

Như vậy, nhìn về trung hạn, kinh tế Việt Nam vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thực sự tăng trưởng bền vững thì phải tháo gỡ được các nút thắt về thể chế, về hạ tầng và giáo dục hiện nay. Trong đó hạ tầng được xem là một nút thắt lớn cần phải tháo gỡ khi tình trạng kẹt đường, kẹt sân bay và chi phí logistics quá cao đang là lực cản lớn đối với phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên tổng đầu tư cho cả nền kinh tế đã giảm mạnh trong vòng 10 năm qua, từ mức 12% GDP năm 2007 xuống còn 6% năm 2019. Trong suốt ba năm gần đây không có dự án hạ tầng lớn nào được triển khai. Hàng loạt dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng đều bị đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng thấp.

Điển hình trong các dự án đó là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và tuyến Metro TP.HCM, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… Tình trạng “vỡ trận” của các mô hình BOT và BT thời gian qua khiến cho việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng càng trở nên khó khăn.

Nút thắt từ hạ tầng cũng một phần bắt nguồn từ nút thắt thể chế. Việt Nam đã không có một chiến lược đầu tư, phân bố nguồn lực một cách hiệu quả trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong suốt nhiều năm qua. Chẳng hạn, Việt Nam đang đầu tư hệ thống sân bay dày đặc, trong khi đó hệ thống giao thông kết nối yếu kém gây lãng phí lớn nguồn lực.

Tình trạng thất thoát, tham nhũng trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng và đầu tư công nói chung rất lớn và đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Dù thời gian qua đã có thêm nhiều hệ thống văn bản hành chính, cơ quan giám sát, thanh tra để siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong đầu tư công. Ngược lại, ma trận thủ tục hành chính cũng là rào cản cho sự phát triển năng động của nền kinh tế.

Những người lạc quan cho rằng, với sự năng động của Chính phủ và những quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị sẽ gỡ được phần nào nút thắt lớn của thể chế. Qua đó, các nguồn lực của Việt Nam có thể thêm một lần nữa giải phóng giúp kinh tế có sự tăng trưởng bền vững.

Hy vọng này càng được nhen nhóm khi ngày càng có nhiều vụ tham nhũng được phát hiện, xử lý và tiếng nói phản biện của người dân, các nhà khoa học được lắng nghe nhiều hơn. Thêm vào đó, NHNN cũng đang rất hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ giúp cho hệ thống tài chính ngày càng ổn định và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Đặc biệt, hệ thống đường cao tốc sẽ giúp cho kinh tế những địa phương mà đường cao tốc đi qua có thêm nhiều cơ hội phát triển. Qua đó, thị trường bất động sản các tỉnh này cũng sẽ khởi sắc theo.

Hiện Việt Nam vẫn được xem là một thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh thời gian qua. Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh khi đã tham gia vào hầu hết hiệp định tự do thương mại quan trọng trên thế giới do đó hàng hóa sản xuất ở Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường lớn với chi phí thấp. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam có thể thăng hoa trong những năm sắp tới.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24