Dù mức giá này được tuyên bố là chỉ bán cho cán bộ công nhân viên cũng gây ra một làn sóng tranh luận. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng doanh nghiệp này bán phá giá và cơ quan chức năng cũng đã “hứa” là sẽ điều tra. Như vậy, trong thời buổi này việc giám giá căn hộ “hợp lòng dân” và muốn làm “người tốt” cũng không phải dễ.
Bán giá thấp cũng bị kết tội
Có lẽ sự kiện bất động sản đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Công ty Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu – đã giảm giá bán căn hộ của dự án chung cư Đại Thanh xuống còn 10 triệu đồng/m2 và đã gây ra một làn sóng tranh luận trên báo chí. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng gây sốc bằng cách giảm giá bán căn hộ dự án Thanh Bình xuống thấp hơn 30% so với khu vực xung quanh và giảm thấp hơn 50% so với giá dự kiến trước đó. Tuy nhiên, việc giá tại dự án Thanh Bình Lai vẫn được xem là một hiện tượng bình thường trong khi đó tại dự án Đại Thành xem là bất thường.
Chung cư Đại Thanh của Công ty Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu đang nhận nhiều "gạch, đá" của các doanh nghiệp trong ngành
Nguyên nhân, có lẽ người dân tại Hà Nội quá quen với mức giá nhà đất 30 - 50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng mỗi m2, nên đã bị “choáng” bởi giá mức giá “bèo này”. Dù bị choáng nhưng chắc chắn một điều đối với người dân đây là một tin vui vì với số tiền khoảng 500 triệu đồng họ có thể sở hữu căn hộ mà cách đây không lâu họ không giám mơ tới. Thực tế, sau khi công bố giá bán trên số căn hộ tại dự án Đại Thanh đã được bán hết veo và những người đến sau phải trả khoảng chênh lệch 50 -100 triệu đồng/căn.
Ngược lại với tâm lý người dân, những đối thủ của Công ty Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu chắc hẳn không xem đó là niềm vui. Vì việc giảm giá căn hộ Đại Thanh chẳng khác nào là hành động phá giá và gây thêm áp lực đối với họ. Điển hình, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP Invest) cho rằng, với kinh nghiệm của một người làm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản 40 năm nay, không thể nào doanh nghiệp có thể làm dự án mà bán ra với giá 8 - 10 triệu đồng/m2 được. Cuối cùng, ông Hiệp kết luận một câu chắc nịch “Nếu nhà được bán với giá đó chỉ có thể là doanh nghiệp ăn bớt nguyên, vật liệu.”
Không võ đoán và kết tội như ông Hiệp nhưng ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex bày tỏ sự quan ngại việc giảm giá các dự án sẽ khiến cho tâm lý người dân thay vì bỏ tiền mua nhà thì họ sẽ chờ đợi thêm.
Không chỉ có các doanh nghiệp “nóng ruột” mà ngay cả các nhà quản lý cũng nghi ngờ và “sốt ruột” không kém. Cụ thể một số cơ quan thuế, tài nguyên của Hà Nội cho biết cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng bày tỏ sự quan ngại khi cho rằng “Nếu doanh nghiệp mà bán dưới giá thành thì chúng tôi sẽ xem anh đã nộp đủ tiền đất chưa, đã đóng thuế bao nhiêu”.
10 triệu đồng/m2 chưa phải là rẻ
Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đầu năm 2020 diện tích nhà trung bình mỗi người dân là 25m2/người. Với giá thành 10 triệu đồng/m2, thì số tiền để mua 25m2 nhà 250.000 triệu đồng. Số tiền này bằng 6,75 lần thu nhập bình quân đầu người của một người dân tại Hà Nội vào năm 2011. Đây là con số khá cao nên dù giá có 10 triệu đồng/m2 thì cũng chỉ có một phần người dân Hà Nội mới mua được. Như vậy, tại sao các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước lại “sốt ruột” khi giá nhà giảm.
Nghi ngờ, thanh tra là quyền của các cơ quan nhà nước tuy nhiên tại sao họ lại nhắm đến doanh nghiệp hạ giá bán? Trong khi đó, các doanh nghiệp bán giá cao không có nghĩa là họ trong sạch. Tệ hại hơn, những doanh nghiệp này rất có thể là những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, lãng phí nguồn lực xã hội và cũng không loại trừ họ mất nhiều chi phí “bôi trơn” nên giá nhà mới cao như vậy. Đây mới là đối tượng hàng đầu cần phải thanh tra.
Ngoài ra, về mặt lý thuyết kinh tế hay chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn có thể bán giá hàng hóa thấp hơn giá thành để tối thiểu hóa thiệt hại. Các căn hộ tại dự án Đại Thanh cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, có thể dự án này chưa đến mức bán lỗ vì theo lời của chủ đầu tư mức bán mức giá 10 triệu đồng/m2 thì họ vẫn có lời.
Thực tế, không phải ai cũng nghi ngờ mức giá siêu rẻ này, ông Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho rằng “Nếu doanh nghiệp biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến thì chúng ta có thể tạo ra được nhà với giá 10 triệu/m2 chứ không phải là không thể làm được”. Cùng chung quan điểm khi trao đổi với Thời báo kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho biết, là một người có hàng chục năm làm xây dựng, ông cho rằng hoàn toàn có thể làm được nhà giá rẻ nếu doanh nghiệp áp dụng các công nghệ, vật liệu tiên tiến.
Thực tế, tại Tp.HCM có rất nhiều dự án đang được rao bán với giá quanh mức 10 triệu đồng/m2. Theo các chủ đầu tư thì giá thành xây dựng các căn hộ tại tòa nhà khoảng 20 tầng vào khoảng 6-8 triệu đồng/m2. Giá thành chung cư còn phụ thuộc vào giá đất và chi tiết thiết kế của ngôi nhà. Ngoài ra, chúng ta còn nhớ trước đó Thủ tướng còn tuyên bố “Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2- 4 triệu đồng mỗi m2”.
Tóm lại: Giá bán căn hộ 10 triệu đồng/m2 vẫn còn cao hơn 2,5-5 lần giá nhà mà Thủ tướng cho là “nên” thế mà không ít cơ quan nhà nước, quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nghi ngờ. Hơn nữa, mức giá này vẫn còn cao hơn khá nhiều thu nhập của người dân, còn các chuyên gia khuyến cáo giảm giá bán là cách duy nhất để doanh nghiệp bất động sản tự cứu mình. Tuy nhiên, ngay cả cái quyền được tự cứu mình, hợp xu thế tự nhiên và mang đến “niềm vui” cho nhiều người cũng không phải là dễ dàng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: