Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Năm 2016, bên cạnh những thời cơ thuận lợi do nền kinh tế phục hồi, do thể chế ngày càng được hoàn thiện, trình độ quản lý được nâng cao, trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ công chức ngày càng tốt hơn, sự vào cuộc người dân ngày càng mạnh mẽ hơn thì những khó khăn của thời kỳ mới đang đặt ra rất nhiều thách thức về kinh tế, an ninh, truyền thống và phi truyền thống... Do đó, ngành xây dựng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Quan tâm chăm lo nhà ở cho lực lượng vũ trang
Chăm lo nhà ở cho lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp là nhiệm vụ quan trọng bởi đây là lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về nhà ở mà ngành Xây dựng thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu, trong lĩnh vực phát triển nhà ở cần tiếp tục tập trung phát triển NƠXH cho các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, như người có công với Cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...); Nhà ở cho người dân ở đô thị nhưng không đủ khả năng mua nhà theo cơ chế thị trường; cải tạo nhà chung cư cũ …
Bên cạnh đó, cần phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp. Đây là lực lượng chủ yếu tạo ra sản phẩm cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước nhưng hiện nay nhà ở vô cùng khó khăn.
Theo Bộ trưởng, Luật Nhà ở quy định rất rõ các loại hình NƠXH, có loại được hỗ trợ nhiều, loại được hỗ trợ một phần (được vay vốn, hỗ trợ đất…) với quy mô hợp lý để cải thiện cho người dân. Quan điểm hỗ trợ người dân bằng tiền hoặc bằng đất đai chính là đầu tư phát triển. Đầu tư vào nhà ở cho những người không có khả năng thanh toán theo nền kinh tế, tạo ra việc làm mới, tạo sự tăng trưởng, huy động nguồn lực, từ đó tạo ra sự tăng trưởng cho đất nước.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm để phát triển NƠXH, xây dựng thêm các mô hình NƠXH hợp lý như ở Thanh Hóa, Long An, Tiền Giang,…
Bộ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp trong việc tham gia phát triển NƠXH. Đây là lĩnh vực mới, khó khăn, lợi nhuận thấp, nhưng các doanh nghiệp đã vào cuộc để thực hiện các chương trình của Chính phủ để có nhiều nhà ở xã hội, vừa đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp, những người không đủ khả năng có tiền để mua nhà ở theo cơ chế thị trường.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở cho lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất với kiến nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 2 Bộ này triển khai thí điểm 2 dự án mà TCty 319 Bộ Quốc phòng đã đề xuất theo phương thức phát triển NƠXH để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang (cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên) khó khăn về nhà ở.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2015 cả nước phát triển thêm khoảng 1,0 triệu m2 NƠXH khu vực đô thị, đưa tổng diện tích NƠXH khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2. Tính chung trong giai đoạn 2011-2015 đã có khoảng 780 nghìn căn NƠXH được đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng trên 3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách.
Không để thị trường BĐS phát triển “nóng”
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Năm 2016, bên cạnh những thời cơ thuận lợi do nền kinh tế phục hồi, do thể chế ngày càng được hoàn thiện, trình độ quản lý được nâng cao, trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ công chức ngày càng tốt hơn, sự vào cuộc người dân ngày càng mạnh mẽ hơn thì những khó khăn của thời kỳ mới đang đặt ra rất nhiều thách thức về kinh tế, an ninh, truyền thống và phi truyền thống... Do đó, ngành xây dựng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được coi trọng, đặc biệt là triển khai sớm các thông tư hướng dẫn dưới Nghị định, cụ thể hóa, đưa Luật mới vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị những dự thảo luật mới, trong đó có Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc sư, Luật Quản lý phát triển đô thị…
Ngành xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong đó trọng tâm là thực hiện Luật Xây dựng. Luật Xây dựng quy định rõ, để kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo để khắc phục thất thoát lãng phí, góp phần nâng cao vốn đầu tư xây dựng, trong đó không chỉ có những điều luật quy định quản lý mà còn có bộ máy tổ chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung để nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có các cơ quan chuyên môn về xây dựng ở các Bộ quản lý đầu tư xây dựng, các tỉnh ở địa phương là các Sở chuyên môn liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời, tổ chức lại các Ban quản lý theo tinh thần của Luật Xây dựng, các nghị định, cũng như các thông tư sắp ban hành; tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên môn khác.
Về việc kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản (BĐS), Bộ trưởng nhấn mạnh: Kiên trì các giải pháp cấu trúc hợp lý thị trường BĐS, không được chủ quan để thị trường BĐS phát triển nóng dẫn đến bong bóng BĐS. Đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại, vai trò của các địa phương trong việc cấp phép các dự án đầu tư BĐS phải thực hiện theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, theo quy hoạch và có kế hoạch, cân đối nguồn lực, cân đối khả năng, thanh toán của nền kinh tế để phát triển đô thị, từ đó sẽ không có dư cung. Cung cầu hợp lý sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.