Trên thị trường xuất hiện một số thông tin về sự phá sản của DN thép và một số DN thép gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, một số DN thép phá sản hoặc phải đóng cửa bán nhà máy là DN sai lầm trong chiến lược đầu tư, đầu tư không hiệu quả hoặc là những DN xuất nhập khẩu sử dụng vốn vay quá lớn.
Còn nhiều DN sản xuất ngành thép khác hoạt động ổn định và vẫn có lợi nhuận đều đều như Hòa Phát, Pomina, Đại Thiên Lộc, Hoa Sen, SMC…, dù tỷ suất lợi nhuận ở mỗi DN khác nhau. Không có chuyện DN thép đình đốn sản xuất hay phá sản hàng loạt.
Theo dự báo của các DN ngành thép, năm tới, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành, nhưng bên cạnh đó, các DN thép vẫn có một số thuận lợi, nhất là khi Bộ Công thương dự báo tăng trưởng ngành thép năm tới khoảng 5 - 7%. Nhu cầu tiêu thụ thép gắn liền với tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6%, thấp hơn tăng trưởng của năm nay. Vì thế, các DN thép phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với một năm khó khăn hơn đối với ngành, nhất là khi giá điện, yếu tố đầu vào quan trọng của ngành thép đã tăng 5%.
Các DN thép phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với một năm khó khăn hơn - Ảnh: Hoài Nam
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Pomina cho biết, năm nay, tại thị trường khu vực phía Nam, sản lượng của Pomina giảm hơn 20% dù Công ty vẫn dẫn đầu về thị phần thép. "Chúng tôi không hy vọng Chính phủ sẽ nới tín dụng, bởi để ổn định vĩ mô thì thì siết tín dụng là cần thiết", ông Thái nói. Ông Thái vừa có chuyến đi đến một loạt tỉnh, thành phía Nam để đôn đốc hoạt động bán hàng.
Đại gia ngành thép ở thị trường phía Bắc cũng có chung nhận định về thị trường thép năm 2012. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến, năm 2012 là một năm mà DN thành thép vượt khó cam go hơn cả năm nay.
"Tôi nhìn kinh tế vĩ mô năm 2012 với quan điểm thận trọng, nhưng cũng có một số điểm lạc quan có cơ sở cho ngành thép, khi ngành này vẫn tăng trưởng và các DN lớn đều hoạt động ổn định. Từ năm ngoái, chúng tôi đã xác định dựa vào tiềm lực của mình là chính, chứ không hy vọng có sự hỗ trợ từ bên ngoài", ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty SMC nói.
Ông Anh cho biết, năm nay SMC đạt hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và dự kiến năm tới sẽ xây dựng kế hoạch ở mức 80 tỷ đồng. Các DN sản xuất quy mô lớn hơn tuy chưa có kế hoạch cụ thể nhưng đều cho biết, sẽ phấn đấu tăng thị phần và doanh thu, nhưng không đặt nặng tăng trưởng lợi nhuận trong tình hình hiện nay.
Từ đầu tuần qua, các DN thép đang quan sát thị trường để có thể nâng giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, vì giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng nhẹ 15 USD/tấn do các nhà sản xuất lớn trên thế giới đã bị lỗ. Riêng đối với ngành hàng thép tấm, giá cả trên thị trường thế giới vừa trải qua một đợt biến động khá mạnh.
Trong 2 tuần qua, giá thép cán nóng nhích lên một chút khoảng 10 - 15 USD/tấn sau một chuỗi ngày giảm giá liên tục tới 100 USD/tấn, từ 740 USD về 640 USD/tấn.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, cuối năm DTL có thể phải trích lập dự phòng giảm giá cho hơn 10.000 tấn cán nóng nhập khẩu, do chênh lệch giá vốn và giá thị trường. DTL nhập lô hàng này phục vụ chạy dây chuyền cán nguội mới.
Tuy phải trích dự phòng giảm giá, nhưng với mặt bằng giá sản phẩm hiện nay, khi đưa lô cán nóng này vào sản xuất ra sản phẩm, lợi nhuận ở các khâu cán nguội, mạ lạnh, mạ màu sẽ giúp DTL hoàn vốn, không bị lỗ. Bên cạnh thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu vẫn là một kênh để tăng doanh thu và sản lượng của DTL.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: