Khoản 3, Điều 22 về "Nguyên tắc phát triển nhà ở theo dự án " của Dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng ghi: "Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt". Đây là vấn đề được rất nhiều chủ đầu tư dự án đặc biệt quan tâm.
Việc các chủ đầu tư Việt Nam sử dụng tiếng nước ngoài đặt tên cho dự án là phổ biến
Trên thực tế thị trường bất động sản hiện có hơn 50% các dự án phát triển nhà ở sử dụng tên ngoại. Kể cả những "đại gia" bất động sản Việt Nam gần như đều đặt tên nước ngoài cho các dự án của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Bắc cho biết, phần lớn tên nước ngoài được đặt tên cho các dự án bất động sản trung và cao cấp. Ngoài việc các dự án này có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ đầu tư muốn sử dụng tên nước ngoài để thuận tiện cho giao dịch và nhận diện thương hiệu, cho thuê hoặc bán cho người nước ngoài.
"Tên tiếng Việt hay tiếng Anh không quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang thu hút đầu tư nước ngoài thì việc tôn trọng quyền sở hữu thương hiệu, quyền đặt tên của các đối tác nước ngoài là cần thiết", ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, thông thường các dự án trong quá trình xin cấp dự án, phê duyệt tỷ lệ 1/500...đều không có tên mà chỉ có ký hiệu các lô đất. Sau khi hoàn tất thủ tục, đủ điều kiện đưa vào kinh doanh các chủ đầu tư mới đặt tên thương hiệu cho dự án. Vẫn có nhiều chủ đầu tư đặt tên tòa nhà theo tên ký hiệu như CT (cao tầng), No (Nhà ở)...đã gây rắc rối sau này. Ví dụ như CT2 Mỹ Đình thì có tới vài tòa nhà mang tên CT2, hoặc như Khu đô thị Xuân Phương có hàng chục nhà phát triển dự án nếu không đặt tên riêng sẽ gây nhầm lẫn.
Còn ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HUD3 thì cho rằng, nếu đã quy định trong Luật thì cần xác định rõ việc đặt tên đó có vi phạm pháp luật hay không? Có gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp khác hay không? Việc đặt tên các sản phẩm là quyền tự do của doanh nghiệp nên không cần thiết phải quy định trong Luật.
Theo ông Sơn, sở dĩ nhiều doanh nghiệp hiện phải sử dụng tên nước ngoài là do tên dự án trong quá trình phê duyệt quá dài. Không thể đặt tên là "Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ...", "Tòa nhà trung tâm thương mại kết hợp nhà ở"...Lúc đó, tên nước ngoài với ưu thế ngắn gọn, dễ nhớ và sang trọng sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn. Mặt khác, nếu đặt tên theo chức năng hoặc địa phương sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng nên tên dự án dùng tiếng nước ngoài để phân biệt các dự án với nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng tên nước ngoài đặt tên cho các dự án bất động sản khách nhau trong chuỗi sản phẩm cũng là một cách để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không nên cấm đặt tên các dự án bất động sản bằng tiếng nước ngoài, mà nên là cuộc vận động nâng cao dân trí. Nếu có ý kiến về đổi tên thì không phải là việc của Bộ Xây dựng mà đó là việc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
"Bộ Xây dựng đi làm thay việc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm gì?”, ông Liêm đặt câu hỏi.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên sản phẩm, thương hiệu dự án bất động sản là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ đầy đủ các quy định về xây dựng, kinh doanh bất động sản là được. Bộ Xây dựng không nên can thiệp và quy định trong Luật Nhà ở. Trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở nên tập trung vào các vấn đề thiết thực hơn là việc đi vào quy định những vấn đề như "cấm đặt tên nước ngoài" hay "cấm dùng nhà ở làm nhà nghỉ"...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: