Các chuyên gia nhận định, quy hoạch không gian xây dựng ngầm là yêu cầu cấp bách đối với TPHCM. Trong điều kiện TP còn nhiều hạn chế như hiện nay, không thể lập quy hoạch dàn trải mà cần khoanh vùng thực hiện. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, hiện nay, gần như các đồ án quy hoạch phân khu của TP đều chưa đề cập đến không gian ngầm.
Đề xuất làm trước hai khu
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về đề cương Quy hoạch không gian xây dựng ngầm TPHCM.
Dự kiến vào tháng 5-2017 sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề này trước khi trình UBND TP đề xuất nhiệm vụ quy hoạch. Việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam mà hiện chưa có địa phương nào triển khai. Cơ sở dữ liệu về hiện trạng công trình ngầm còn nhiều bất cập và khó thu thập đầy đủ cho toàn TP.
Vì thế, sở này đề xuất thực hiện trước công tác thu thập cơ sở dữ liệu hiện trạng và lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu TP (khu 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quy mô 657ha).
Nội dung nghiên cứu bao gồm việc phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất - thủy văn, quy hoạch phân khu, tình hình xây dựng theo quy hoạch, dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm trên cơ sở định hướng phát triển trên mặt đất. Từ đó, sẽ phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm, các khu vực hoặc hạn chế hoặc cấm xây dựng.
Đồng thời, xác định không gian dành cho hệ thống giao thông, hệ thống tuynen kỹ thuật, hệ thống cấp, thoát nước và đường điện, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật... Bên cạnh nghiên cứu tổng thể cho khu trung tâm hiện hữu và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề xuất đi sâu nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực trọng điểm quanh hệ thống nhà ga metro (quy mô 150ha) trong khu trung tâm hiện hữu.
Bám vào nội dung dân sinh
Đại diện Hội Kiến trúc sư TP nhận xét rằng, “chướng ngại vật” lớn nhất đối với TP hiện nay là vấn đề số liệu, dữ liệu. “Không ai biết được hết bên dưới mặt đất có cái gì, ngay cả các ngành quản lý cụ thể cũng chẳng đủ hồ sơ, vì nhiều công trình hạ tầng đã được sử dụng từ rất lâu, chẳng hạn đường Nguyễn Huệ vẫn còn sử dụng hệ thống cống thoát nước Ø1.000 từ thời Pháp.
Vì thế, đầu tiên cần tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ hiện trạng không gian bên dưới mặt đất, như vậy mới có cơ sở để lập quy hoạch”, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, khuyến nghị. Cũng theo ông Lưu, nên thu nhỏ phạm vi, tập trung làm trước các nội dung ở khu vực quận 1.
Còn theo Hội Quy hoạch TPHCM, Nghị định 39/2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, quy định không gian xây dựng ngầm đô thị là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị. Công trình ngầm đô thị gồm có công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuynen kỹ thuật.
Tuy nhiên, hiện nay không thể thực hiện đầy đủ các nội dung như hướng dẫn của nghị định, mà trước mắt chỉ nên tập trung thực hiện quy hoạch đối với phần ngầm của các công trình và hệ thống giao thông ngầm - hai lĩnh vực sát sườn với đời sống dân sinh. “Người dân và nhà đầu tư quan tâm đến khu vực cụ thể, có được xây tầng hầm đậu xe không, tầng hầm thương mại hay không, nếu được phép thì xây được mấy tầng, mỗi tầng sâu bao nhiêu…
Các bãi đậu xe ngầm vẫn “dậm chân tại chỗ” có nguyên nhân vì thiếu quy hoạch nên các nhà đầu tư chưa mạnh dạn”, đại diện Hội Quy hoạch nhận xét. Điều quan trọng nhất để xây dựng ngầm là phải tính được cốt cao độ và chiều cao cho phép của mỗi tầng hầm để quy định thống nhất cho tất cả các công trình. Nếu cốt vênh thì không thể kết nối không gian ngầm.
Riêng phần giao thông ngầm đối với TP hiện nay khá thuận lợi, chủ yếu là các tuyến metro (hiện đã được lập quy hoạch), chỉ cần tích hợp vào quy hoạch chung và “chốt” luôn vị trí các tuyến, vị trí và diện tích các ga ngầm.
Sau khi lập quy hoạch về không gian xây dựng, cần có chính sách quản lý để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch nghiêm túc, bởi việc thực hiện không đúng quy hoạch dưới mặt đất sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng mà không dễ sửa chữa như trên mặt đất. Quy hoạch và các chính sách quản lý không gian ngầm cũng chính là cơ sở để kêu gọi đầu tư.
Các loại công trình còn lại như công trình đầu nối kỹ thuật ngầm, các tuynen, hào kỹ thuật… có thể nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch khi tiến hành điều chỉnh chung quy hoạch xây dựng toàn TP.
Tuy giảm nội dung nghiên cứu nhưng Hội Quy hoạch TP lại đề xuất tăng thêm khu vực nghiên cứu, đó là Khu đô thị mới Tây Bắc Củ Chi. Hội lý giải, đây là khu đô thị mới đang kêu gọi đầu tư và chưa có nhiều công trình ngầm bên dưới nên việc định hướng sẵn phát triển không gian ngầm không chỉ là cơ sở kêu gọi đầu tư mà còn dễ quản lý, tránh được những khó khăn như các khu đô thị hiện hữu đang mắc phải.