Thiếu hụt vật liệu làm chậm trễ hoạt động xây dựng. Và giá vật liệu tăng cao đang thổi bay hàng triệu tỷ đồng ngân sách xây dựng. Cả hai hệ quả này nặng nề hơn đối với những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ và bình dân, nhất là khi người mua tràn ngập thị trường.
Tại Mỹ, nhiều nhà đầu tư và khách hàng phải chấp nhận mức giá nhà cao hơn so với hai năm trước vì nguồn cung vật liệu và nhà ở quá thiếu thốn, nhất là khi đại dịch tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng. Chi phí gỗ tại Mỹ đã tăng hơn gấp ba lần, kéo theo giá trung bình cho những ngôi nhà dành cho một gia đình đã tăng gần 36.000 USD, theo phân tích của Hiệp hội các nhà xây dựng Hoa Kỳ.
Đồng thời, các khoản ngân sách dự trữ cho các dự án nhà ở giá rẻ hầu như luôn được chi cho việc nâng cấp và cải thiện ngoại thất hoặc các tiện ích dùng chung của cư dân. Khoản dự phòng này vốn rất mỏng, nay nó lại bị cắt đi để bù đắp vào chi phí vật liệu. Điều này sẽ khiến chất lượng nhà ở và tiện ích cho cư dân bị ảnh hưởng đáng kể.
Tại Việt Nam, thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn với nhiều chủng loại vật tư, vật liệu có giá tăng đột biến. Trong tháng 05/2021, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tăng 40,47% so với cùng kỳ năm 2020, nhôm tăng khoảng 50-60%, ống nhựa các loại và dây diện tăng 15-25%.
Sự chậm trễ trong việc cung cấp vật liệu xây dựng đồng nghĩa với thời gian hoàn thành dự án sẽ dài hơn, việc điều phối lao động khó khăn hơn, công suất thấp hơn, và chi phí tăng lên. Điều này kéo theo việc các nhà xây dựng nhà ở giá rẻ chỉ có thể triển khai ít dự án hơn và lượng nhà mở bán sẽ giảm đi. Về mặt xã hội, điều này khiến thị trường nhà ở mất cân bằng, giảm tỷ lệ sở hữu nhà, và làm gia tăng sự mất cân bằng và khoảng cách giàu nghèo.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, giá vật liệu tăng sẽ tác động đến thị trường khiến giá bất động sản tăng cao.
Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng tại Việt Nam chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng.
Các vấn đề về nguồn cung vật liệu đang liên tục xuất hiện, nhất là với sản phẩm sắt, thép. Điều này khiến chuỗi cung ứng vật liệu và các nhà xây dựng cùng chủ đầu tư đều căng thẳng.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thiếu vật liệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng, bởi các nhà thầu thi công đã ký theo “đơn giá cố định” hoặc trọn gói, theo đó không được điều chỉnh vốn. Việc các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng giá đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu, thậm chí dẫn tới phá sản với các nhà thầu nhỏ.
Với các hợp đồng ký theo hình thức “đơn giá điều chỉnh”, giá vật tư, vật liệu tăng lại khiến chủ đầu tư phải cân nhắc về nguồn vốn và hiệu quả dự án để quyết định tiếp tục đầu tư hay tạm dừng. Quá trình này thường kéo dài, cũng gây phát sinh chi phí và thiệt hại cho nhà thầu như chi phí khấu hao máy móc thiết bị, lương cho người lao động, lãi vay để thi công, chi phí bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng...
Trong bối cảnh này, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở bình dân tại Việt Nam (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhà ở nhưng nguồn cung lại rất hạn chế. Thực tế cho thấy, giá nhà ở đô thị hiện đang cao gấp nhiều lần so với thu nhập của người dân trong khi đó căn hộ từ 1-2 tỷ dần “biến mất” trên thị trường.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: