Viễn vọng kính khổng lồ ở đài thiên văn Paris
Toà kiến trúc này cũng là nơi làm việc của một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý thiên văn toàn cầu – nhà khoa học gốc Việt, giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, và nhờ vào sự giới thiệu của ông, tôi có được cơ hội để khám phá một kiến trúc độc đáo do vị vua mặt trời Louis XIV xây dựng ngay trung tâm kinh đô ánh sáng.
Đài thiên văn Paris bao hàm nhiều chức năng gồm các lĩnh vực nghiên cứu về thiên văn học, vật lý thiên văn, đào tạo tiến sĩ về thiên văn học, phổ biến kiến thức thiên văn cho cộng đồng và cũng là trụ sở của phòng thời gian quốc tế. Nhưng điểm nhấn gây tò mò với tôi hơn cả là kiến trúc của Đài thiên văn này, bởi nó không chỉ là toà kiến trúc cổ dựa trên nền tảng xây dựng của vua Louis XIV từ thế kỷ 17, mà ngay cả vị trí toạ lạc của đài thiên văn Paris cũng thật đặc biệt, nằm vắt ngang đường kinh tuyến trục bắc – nam của thành phố Paris.
Tham vọng quyền lực
Đài thiên văn Paris được hình thành từ một tham vọng mở rộng quyền lực trên biển và thương mại quốc tế của Pháp ở thế kỷ 17. Theo những tài liệu ghi lại, toà kiến trúc đầu tiên của đài thiên văn Paris được vua Louis XIV khởi công xây dựng vào năm 1667, và đến năm 1671, công trình hoàn thành. Đây là nơi xuất bản niên lịch đầu tiên của thế giới, và vào năm 1863 xuất bản bản đồ thời tiết hiện đại đầu tiên.
Trên tầng thượng của đài thiên văn Paris
Hình vẽ miêu tả cảnh xây dựng đài thiên văn vào thế kỷ 17.
Nhờ sự hướng dẫn của giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, tôi có cơ hội lần lượt khám phá các không gian trọng yếu của đài thiên văn Paris. Đầu tiên là toà kiến trúc chính, có niên đại hơn ba thế kỷ. Lần theo những nấc thang uốn lượn rất duyên dáng lên lầu cao, dẫn lối ra sân thượng của toà kiến trúc cổ. Đài thiên văn được xây hướng về phương bắc trên trục kinh tuyến vắt qua thành phố Paris. Từ điểm cao của toà kiến trúc này tôi có được cái nhìn toàn cảnh về một Paris hoa lệ, với những kiến trúc quen thuộc, xa xa là điện Pantheon, vườn hoa Lucxembourg, đồi Montmartre, tháp Eiffel, toà nhà Montparnasse, tất cả những danh thắng về kiến trúc nổi bật của Paris đều có thể quan sát được từ điểm cao này.
Chất liệu chính xây dựng đài thiên văn Paris là các lớp đá phiến.
Bên cạnh những công trình mới mọc lên sau này, đài thiên văn Paris như bị chìm khuất cạnh những toà kiến trúc đồ sộ, hiện đại, nhưng ở thế kỷ 17, chắc hẳn đài thiên văn Paris chiếm giữ một vị trí quan trọng, nổi bật và là một điểm son của nền khoa học thiên văn cho đến tận ngày nay. Cũng ở điểm cao này, chúng tôi nhận ra có rất nhiều những vòm tròn, trong đó là các viễn vọng kính dùng cho việc quan sát dải ngân hà. Ở trên tầng thượng của toà kiến trúc chính có lắp đặt một viễn vọng kính lớn nhất của đài thiên văn Paris mà tôi được phép vào tham quan. Viễn vọng kính khổng lồ này có niên đại từ năm 1850, và đến nay vẫn còn hoạt động tốt. Rời viễn vọng kính khổng lồ, tôi được đưa đến một căn phòng đặc biệt khác, gọi là phòng kinh tuyến.
Phòng kinh tuyến Cassini
Giáo sư Nguyễn Quang Riệu cho biết: "Đường kinh tuyến Paris được lập nên từ thế kỷ 17, dưới thời vua Louis XIV, vị vua này được mệnh danh là vua mặt trời, và đài thiên văn được xây dựng từ thời điểm đó trên kinh tuyến của Paris".
Phòng kinh tuyến có tên là phòng Cassini, được đặt tên theo nhà thiên văn học – cũng là vị giám đốc đầu tiên của đài thiên văn Paris – Giovanni Cassini (1671 – 1712). Phần đầu phòng kinh tuyến có một lỗ hổng lên bầu trời, và dựa vào đó, tuỳ vào mùa hè hoặc mùa đông, ánh mặt trời vào đúng 12 giờ trưa chiếu qua lỗ hổng sẽ đi vào từng chòm sao của 12 cung được định vị trên đường kinh tuyến.
Phòng kinh tuyến Cassini.
Phía vòm trần cuối phòng kinh tuyến có một la bàn, chỉ phương hướng đúng theo trục kinh tuyến bắc – nam ở đài thiên văn Paris. Đường kinh tuyến chạy ngang căn phòng kinh tuyến, và thẳng trục trên đại lộ Saint Michel đến vườn hoa Luxembourg. Phòng kinh tuyến được mở rộng dựa trên kiến trúc cũ của đài thiên văn Paris mà vua Louis XIV xây dựng, sau nhiều lần tu sửa, lần mở rộng cuối cùng của đài thiên văn Paris diễn ra năm 1951, năm xây dựng phòng kinh tuyến với kiến trúc sư thiết kế là Jean Prouvé.
Nhìn qua lối thiết kế không gian nội thất phòng kinh tuyến, với vòm trần cao, chóp nối các không gian với nhau rất giống kiểu kiến trúc gothic, chỉ có điểm khác biệt là không thể hiện những chi tiết trang trí điêu khắc rườm rà, cầu kỳ phức tạp thường thấy, mà chỉ đơn giản với lối xây dựng nối ráp bằng các phiến đá trắng vuông vức để hình thành nên không gian này.
Kiến trúc lịch sử
Nhìn từ bên ngoài của toà nhà chính tại đài thiên văn Paris, đó là một khối kiến trúc đối xứng, không được trang trí cầu kỳ với các chi tiết chạm khắc trên đá như những kiến trúc cùng tuổi khác ở Paris, trừ một mảng điêu khắc phù điêu lớn miêu tả các dụng cụ phục vụ ngành thiên văn học như thấu kính, gương cầu, các loại đồng hồ, thước đo, ống ngắm, được chạm trổ khá cầu kỳ, tinh xảo trên nền đá trắng xám tựa như chất liệu đá sa thạch làm điểm nhấn cho toàn phần mặt tiền của toà nhà.
Tòa kiến trúc chính của đài thiên văn Paris
Trái ngược với vẻ ngoài lạnh lùng, phần nội thất của đài thiên văn Paris ở mỗi không gian lại là một sự khác biệt thú vị, với việc sử dụng phần nhiều chất liệu gỗ teak trang trí, ốp vách, lót sàn, cả những đồ nội thất, bàn ghế, đem lại một tổng thể ấm cúng ở các không gian nội thất bằng việc bố cục, sắp đặt hài hoà các chi tiết như đèn chùm, tranh treo với hình ảnh về các hành tinh, hình ảnh bắc bán cầu, nam bán cầu, cả những bức vẽ về câu chuyện xây dựng đài thiên văn Paris ở thế kỷ 17.
Nhưng trong số những không gian mà tôi được trải nghiệm ở đài thiên văn Paris, ấn tượng hơn cả là căn phòng họp hình bát giác, ở giữa phòng là một bàn tròn lớn để ban giám đốc hội họp mỗi khi có việc quan trọng. Giáo sư Nguyễn Quang Riệu giới thiệu: "Phòng họp của ban giám đốc cũng đồng thời là nơi sinh viên trình luận án tiến sĩ. Khá nhiều sinh viên Việt Nam của tôi cũng đã từng trình luận án trong phòng này. Điểm nổi bật của phòng họp là các bức tranh vẽ hình những nhà lãnh đạo đài thiên văn từ thế kỷ thứ 17 trở về sau này. Bức tranh chính là ông vua mặt trời Louis XIV, kế đến là vị giám đốc đầu tiên của đài thiên văn Paris – ông Cassini. Vị giám đốc cuối cùng của đài thiên văn Paris được vinh dự xuất hiện trong tranh treo ở phòng họp là ông Andre Danjon (1890 – 1967). Kể từ sau đó, các vị giám đốc kế vị không còn treo ảnh chân dung ở đây nữa, cũng một phần là không gian phòng họp không còn chỗ để treo. Hơn nữa, ngày xưa, mỗi giám đốc đài thiên văn là người giữ vị trí rất quan trọng, họ được bầu chọn vĩnh cửu chứ không theo nhiệm kỳ 5 năm một lần như bây giờ".
Các chi tiết trang trí nội thất của đài thiên văn Paris.
Dù đã mở rộng và xây mới khá nhiều toà nhà kế cận để phục vụ công tác nghiên cứu của các nhà thiên văn học, nhưng toà kiến trúc đồ sộ và cổ xưa nhất của Đài thiên văn Paris vẫn chiếm giữ một vị trí nổi bật, quan trọng, dù vai trò của kiến trúc này đã phần nào giảm đi, bởi hầu hết các phương tiện, thiết bị sắp đặt ở đó đã phần nào lỗi thời so với những phương tiện nghiên cứu hiện đại được lắp đặt ở các toà kiến trúc kế cận trong khuôn viên đài thiên văn Paris. Toà kiến trúc chính trong đài thiên văn Paris mà tôi có dịp tìm hiểu và khám phá, cùng những thiết bị trưng bày, nay được xem như những dấu chỉ đánh dấu tính lịch sử về sự phát triển của ngành thiên văn học từ xa xưa ở kinh đô ánh sáng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: