Ảnh minh hoạ
Báo cáo thị trường khách sạn Hà Nội mới đây của Savills ghi nhận, trong quý 2, tổng nguồn cung ổn định theo quý, với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao.
Riêng khách sạn 5 sao chiếm tới 54% tổng nguồn cung. Tới cuối quý 2/2021, năm khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đã tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa.
Mười khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội đã được chọn làm địa điểm cách ly.
Dù thị trường Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4, nhưng làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đã đẩy công suất phòng của quý 2 xuống còn 27%.
Mặc dù vậy, công suất thị trường vẫn tăng 6 điểm phần trăm theo năm do giãn cách xã hội giai đoạn này được nới lỏng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Giá phòng trung bình đạt 77 USD (khoảng 1,8 triệu đồng)/phòng/đêm, tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm. Đáng chú ý, khách sạn 5 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD (khoảng 650.000 đồng)/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Trong 6 tháng đầu năm, công suất phòng đạt 25%, giảm 8 điểm phần trăm theo năm. Giá phòng trung bình giảm 16% theo năm.
Du khách tới Hà Nội trong nửa đầu năm hầu hết là khách nội địa, đạt 2,9 triệu khách, giảm 25% theo năm.
Dự báo về triển vọng của thị trường này sắp tới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà NộI, cho biết từ 6 tháng cuối năm 2021 tới 2023, gần 2.600 phòng dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ 14 dự án.
Trong năm 2021, ba dự án 3-5 sao được dự tính sẽ cung cấp trên 500 phòng. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai, với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía tây với 36% nguồn cung tương lai.
Các khách sạn quốc tế sẽ cung cấp gần 1.300 phòng, tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội, việc triển khai tiêm vắc xin mang đến nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch.
Tại Mỹ, các khách sạn đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc giá phòng tăng do nguồn cầu lớn, kỳ vọng của khách hàng cũng tăng.
“Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn đó khi du lịch trở lại. Kế hoạch của Việt Nam sớm thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại”, ông Powell nhận định.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, cho biết dự kiến trong 6 tháng cuối năm nay, khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ đạo của thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng.
Các gói giảm giá của khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không sẽ tiếp tục giúp gia tăng nguồn khách nội địa khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các phương án đón khách quốc tế trong tương lai dài hơn cũng sẽ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm sẵn sàng đón nguồn cầu này mà vẫn đảm bảo tính an toàn.
Dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2021, kinh tế du lịch ở Việt Nam chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng sẽ vẫn thu hút, lực đầu tư tốt.
Những dự án được đầu tư bởi những thương hiệu lớn, ở những điểm du lịch tốt như Quảng Ninh, Vân Đồn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu và Phú Quốc sẽ vẫn có giao dịch tốt.
Theo ông Đính, các dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng hiện nay cho thấy sự thay đổi hợp lý về chức năng khai thác, cung cấp dịch vụ, tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của các điểm du lịch, chất lượng, tiêu chuẩn không hề thua kém mọi tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở hiện cũng được đưa vào khai thác du lịch. Nhiều đại đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, tiêu chuẩn cao đang hình thành, nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trên cả nước, hứa hẹn hiệu quả kinh doanh tốt trong tương lai.
“Diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc vào sự ứng xử của chính sách, của thị trường. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, có thể thị trường sẽ xấu đi theo cấp số nhân. Còn nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào cuối quý 2, thì sang quý 3 thị trường sẽ phục hồi lại”, ông Đính dự báo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: