Giảm giá mạnh vẫn ế khách
Đây tình trạng chung của khách sạn Hà Nội trong thời gian gần đây khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát.
Đến khu phố cổ Hà Nội, phố buồn hiu hắt vì vắng khách du lịch. Nhiều cửa hàng và khách sạn phục vụ đối tượng này cũng phải đóng cửa từ nhiều tháng nay.
Theo khảo sát trên các trang đặt phòng, các khách sạn từ 1 đến 5 sao còn mở cửa đang chung một nỗi buồn “ế khách”, mặc dù giá phòng đã đồng loạt giảm đến hơn 80%.
Một khách sạn trên phố Gia Ngư đã đóng cửa từ tháng 4/2020 và tranh thủ thời gian nghỉ dịch để sửa chữa
Cụ thể, trên trang web đặt phòng Agoda, khách sạn Helios Legend (số 2D Đường Thành, quận Hoàn Kiếm) rao giá phòng chỉ từ 250-700 nghìn đồng/đêm, giảm 75% so với giá thuê trước dịch.
Khách sạn La Siesta Premium (số 24 Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm), phòng 5,3 triệu đồng/ngày đêm cũng hạ xuống còn 910 nghìn đồng/đêm, giảm 82%.
Ngay cả khách sạn InterContinental Hanoi Westlake (số 5 Từ Hoa, quận Tây Hồ) được coi là một trong những khách sạn 5 sao độc đáo, nằm ở Hồ Tây cũng phải giảm giá thuê đến 64%. Phòng rẻ nhất chỉ còn 2,4 triệu đồng/đêm, trong khi trước đó giá thuê phòng thấp nhất đã gần 7 triệu đồng/đêm.
Các khách sạn trên các web đặt phòng khác như Booking, Traveloka, Trivago,… đều chào giá phòng thấp nhất trong mấy năm qua. Bên cạnh đó là các ưu đãi kèm theo như bữa sáng, miễn phí hủy phòng,…
Tuy vậy, khi kiểm tra tình trạng, phòng trống của hầu hết các khách sạn trong khoảng thời gian từ nay cho đến hết năm còn khá nhiều, không có dấu hiệu được lấp đầy dù các trang đặt phòng thúc giục khách đặt ngay hôm nay khi dùng các từ “hạ giá phút chót”, “-79% chỉ hôm nay”, “phòng cuối cùng”,…
Bán bánh mì để cầm cự
Trên cửa kính của khách sạn Hanoi Rendezvous (số 31 Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm) không ít người phải chú ý vì dán nhiều thông báo dạng tờ rơi như “bánh mì trứng ốp 20k”, “café đen đá 20k”, “giặt là quần áo”, “trông xe”,...
Trao đổi với PV Cafeland, ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ khách sạn Hanoi Rendezvous, cho biết đó là những việc mà ông đang nhận làm thêm để trang trải cuộc sống trong thời điểm vắng khách này.
Ông Tuấn vẫn mở cửa khách sạn bởi “đây cũng là nhà mình, mình không phải trả tiền thuê nhà, chỉ trả tiền điện nước thôi nên mình không phải đóng cửa như nhiều khách sạn khác”.
Tuy vậy, ông Tuấn ngậm ngùi khi nhắc đến việc khách ít quá khiến anh phải cắt giảm hết nhân viên, khoảng 10 người. Đến giờ còn mỗi mình anh kiêm mọi việc của khách sạn và làm thêm đủ thứ để cầm cự qua thời điểm dịch bệnh này.
Chủ khách sạn Hanoi Rendezvous Hotel thông báo dịch vụ làm thêm ngay trên cửa kính khách sạn
Bên cạnh đó, thay vì mở cửa để cầm cự như ông Tuấn, nhiều chủ khách sạn khác quyết định cho thuê sảnh tầng một để vớt vát chi phí.
Theo quan sát, ngay đầu phố Lương Ngọc Quyến, một quán phở mới mở ngay tầng 1 của khách sạn mini và tạm thời hạ biển tên khách sạn.
Trên phố Chả Cá, khách sạn A25 cũng bắt đầu rao cho thuê sảnh diện tích 50m2, mặt tiền 10m với giá thuê 70 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê.
Theo số liệu thống kê 7 tháng đầu năm của Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chỉ khoảng 1 triệu lượt khách trong tổng số 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 3.400 cơ sở lưu trú, trong đó có 564 cơ sở đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, bao gồm 22.749 phòng.
Công suất bình quân phòng của khối khách sạn 1-5 sao chỉ đạt 10,6%, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với nhiều khách sạn khu vực phố cổ, công suất phòng dưới 10%, chưa đủ cho chi phí hoạt động nên chủ khách sạn tạm thời đóng cửa để làm căn cứ miễn giảm thuế và tiết giảm các chi phí vận hành.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: