Chuyện về những lời hứa suông
Theo khách hàng Vũ Duy T., vào tháng 6/2011, ông có ký một hợp đồng góp vốn với Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) với giá trị góp vốn là 1.160.000.000đ (căn hộ 80m2, đơn giá 14.500.000đ/m2) nhằm mục đích đầu tư kinh doanh tại dự án Xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại KĐTM Việt Hưng – Quận Long Biên sẽ được khởi công trong quý III/2011. Theo tiến độ góp vốn, ông đã trả 50% giá trị Hợp đồng tương đương giá trị 580.000.000đ.
Sáng ngày 10/9, nhiều khách hàng đã tập trung tại trụ sở Công ty Hồng Hà (tại 109 Trường Chinh) yêu cầu được gặp chủ đầu tư.
Mong chờ dự án được thực hiện nhưng đến nay dự án đã chậm khởi công 1 năm. Ông T. cũng đã rất nhiều lần gọi điện liên hệ đến chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nhưng đều chỉ nhận được lời hứa sẽ khởi công. Thậm chí, ông Phan Văn Mai (Phó trưởng ban dự án) còn khẳng định nếu không tin tưởng thì gia đình ông có thể đến Công ty Hồng Hà lấy lại tiền bất cứ lúc nào. Nhưng vào khoảng tháng 4, khi khách hàng tìm tới trụ sở Công ty Hồng Hà để làm thủ tục rút lại tiền vốn thì bị từ chối. Và đến nay, thủ tục rút vốn vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều lần gọi điện, tìm gặp, ông T. vẫn chưa gặp được ban lãnh đạo phía chủ đầu tư.
Theo ông T, có rất nhiều khách hàng đang rơi vào tình trạng như ông với số tiền góp vốn lên đến gần 100 tỷ đồng.
Bức xúc với thái độ làm việc và sự né tránh của chủ đầu tư, sáng ngày 10/9, hàng chục khách hàng đã tập trung tại trụ sở Công ty Hồng Hà (tại 109 Trường Chinh) yêu cầu được gặp chủ đầu tư để giải quyết theo đúng hợp đồng đã ký kết. Những băng rôn, khẩu hiệu “Đề nghị Công ty Hồng Hà trả lại tiền cho người dân đã góp vốn mua nhà”, “Công ty Hồng Hà vi phạm pháp luật”… được hội khách hàng giăng lên ngay trước cổng công ty.
Chị Hiền – một khách hàng bức xúc: “Đúng theo phụ lục hợp đồng mà chúng tôi ký kết đã ghi rõ: "Nếu đến hết quý II/2011 mà bên A không tiến hành khởi công dự án thì bên B được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chậm nhất trong vòng 30 ngày bên A sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền mà bên B đã góp vốn cùng khoản lãi suất được tính là 3% trên tổng số tiền mà bên A đã nhận của bên B". Chúng tôi đã đóng tiền theo đúng hợp đồng trong khi đó chủ đầu tư không thể đáp ứng đúng những điều ký kết thì phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền cho chúng tôi. Năm lần bảy lượt tìm đến công ty nhưng không thấy mặt ban lãnh đạo công ty. Chúng tôi đến để lấy tiền của chúng tôi chứ không phải đến để xin tiền của họ”.
Theo thông báo tới khách hàng thì ông Trần Ứng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà đang đi công tác tại TP Hồ Chí Minh và hẹn ngày 15 tới đây sau chuyến công tác trở về ông sẽ giải quyết yêu cầu, thắc mắc của khách hàng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên khách hàng tại dự án này nhận được những lời hứa kiểu như này và cho tới bây giờ tất cả vẫn chỉ là lời hứa suông.
Chiếm đoạt tài sản?
Theo Luật sư Vũ Thị Thu Hà – Luật sư điều hành công ty luật LAWPRO đã theo dõi và tìm hiểu hợp đồng ký kết dự án cho biết: “Ngày 23/8/2010, UBND Quận Hoàn Kiếm đã ban hành công văn (là công văn của UBND Quận Hoàn Kiếm trả lời CV số 94/CV-ĐN của Công ty Hồng Hà xin một số ưu đãi trong dự án) – theo đó chỉ cho phép công ty Hồng Hà được thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng.
Theo hợp đồng giấy trắng mực đen, nếu đến hết quý II-2011 mà bên A không tiến hành khởi công dự án thì bên B được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, được hoàn lại số vốn và lãi suất 3% giá trị hợp đồng.
Trong khi UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt chi tiết khu nhà ở giãn dân phố cổ và chưa hề ký hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà thì ngày 8/9/2010 UBND quận Hoàn Kiếm đã nhận được công văn số 77/KT của phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm về việc công ty Hồng Hà rao bán căn hộ trên mạng. UBND quận Hòan Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán một số căn hộ bất hợp pháp trong dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ.
Ngày 9/9/2010, Công ty Hồng Hà đã có công văn báo cáo và cam kết không có việc rao bán các căn hộ trong dự án. Tuy nhiên, do Công ty Hồng Hà vẫn cố tình tiếp tục đăng tin rao bán căn hộ, nên để đảm bảo dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên triển khai hiệu quả, đúng mục đích, ngày 22/4/2011 UBND Quận Hoàn Kiếm đã ban hành công văn thông báo huỷ bỏ Công văn ngày 23/8/2010. Nội dung công văn này nêu rõ: “Mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng cũng như bán hoặc chuyển nhượng dự án này là trái với quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tuy nhiên, sau khi UBND quận Hoàn Kiếm ban hành công văn, công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục ký nhiều hợp đồng góp vốn với rất nhiều cá nhân và căn cứ trên cơ sở pháp lý là công văn ngày 23/8/2010 – nhưng công văn này đã bị hủy bỏ bởi công văn ngày 22/4/2011.
Như vậy, chiếu với các nội dung và thời điểm ban hành các văn bản nêu trên (văn bản ban hành vào tháng 2/2011, trong khi Công ty Hồng Hà ký hợp đồng góp vốn với nhiều khách hàng vào tháng 6/2011) thì Công ty Hồng Hà đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật hình sự”.
Cũng theo điều 39 Luật Nhà ở thì: Chủ đầu tư chỉ được huy động vốn trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng (tức là công trình đã được khởi công)... trong khi đó dự án Xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại KĐTM Việt Hưng – Quận Long Biên dù chưa được khởi công đã ôm cả trăm tỷ đồng của khách hàng.
Đằng sau câu chuyện huy động vốn của Công ty Hồng Hà, có hay không sự trốn tránh của chủ đầu tư? Nhiều khách hàng đặt cược vào dự án bao giờ mới được thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết khi đã chôn tiền tỷ theo dự án?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: