Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Đức Thanh
Còn “đánh trống ghi tên” và cứng nhắc?
Một trong những cải cách lớn của Việt Nam trong quản lý đầu tư công những năm gần đây là việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Cơ chế này được cho là sẽ tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương khi biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc, bị động về vốn. Đồng thời, cũng đảm bảo sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước, qua đó, thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công.
Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) khi góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho rằng, mặc dù việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã mang lại kết quả tích cực, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục.
Có cùng nỗi lo về kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, định hướng trung hạn của khung kế hoạch còn thiếu tính thực tế, không cung cấp một cái nhìn rõ ràng về nguồn lực cho đầu tư mới.
“Không có một danh mục các dự án đã được thẩm định đầy đủ và xếp thứ hạng ưu tiên, mà chỉ có danh sách liệt kê các dự án đã thẩm định sơ bộ và phê duyệt sơ bộ cho bố trí vốn, khiến khâu thẩm định chỉ mang tính thủ tục”, ông Giang băn khoăn.
Với thực tế đó, WB đề xuất rằng, Luật Đầu tư công sửa đổi cần có quy định rõ ràng, cho phép loại bỏ dự án ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu kết quả thẩm định không tốt. Có nghĩa là, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ để lựa chọn đầu tư.
Một trong những tồn tại cần khắc phục là tính cứng nhắc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo WB, do tính cứng nhắc của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên không có cơ chế rõ ràng để bổ sung các dự án mới trong kỳ sau kế hoạch trung hạn. Ngoài ra, WB cho rằng, với cơ chế hiện nay, việc dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đó vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để lựa chọn dự án đưa vào triển khai. Việc này vô tình đã loại trừ vai trò của công tác thẩm định trong quá trình xem xét hồ sơ và lựa chọn dự án…
“Chúng tôi cũng đề xuất việc cần phải có đầy đủ danh mục và các tiêu chí cứng để lựa chọn dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, việc theo dõi và đánh giá dự án cần được đẩy mạnh phân cấp hơn nữa”, ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục Dự án của WB nói.
Trên thực tế, đây cũng là một vấn đề đang khiến Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi băn khoăn, nhất là về thẩm quyền quyết định, nội dung xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với thẩm quyền tương ứng, danh mục dự án...
Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một số ý kiến cho rằng, việc xác định ngay từ đầu danh mục dự án trung hạn như hiện nay là không khả thi, không hiệu quả, công tác chuẩn bị đầu tư vội vàng, thậm chí là hình thức, đánh trống ghi tên và rất cứng nhắc, không phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của cả nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chưa thống nhất được phương án cấp thẩm quyền nào quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn (Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương). “Mỗi cấp quyết định đều có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định hướng quan điểm xây dựng luật là phân cấp, hậu kiểm, thì phương án phân cấp triệt để là phù hợp, các cơ quan cấp trên làm công tác hậu kiểm, giám sát”, ông Phương nói.
Nếu vậy, trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương là rất lớn trong xây dựng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm sao vừa đảm bảo nguồn lực, vừa đảm bảo chọn được dự án tốt, có định hướng ưu tiên rõ ràng và khả thi, hiệu quả.
Dự án ODA áp dụng chung thủ tục với dự án trong nước
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi gần như đang ở những bước cuối cùng, để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. Bởi vậy, cho tới thời điểm này, theo ông Trần Quốc Phương, có rất nhiều nội dung đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Chẳng hạn, về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tại Tờ trình, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội một quy trình riêng đối với các dự án ODA.
Tuy nhiên, sau khi thảo luận đã thống nhất kiến nghị phương án coi các dự án ODA như một dự án thông thường sử dụng vốn trong nước, theo đó, áp dụng chung trình tự, thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan chủ trì trình chủ trương đầu tư các dự án ODA lên Thủ tướng Chính phủ.
Hay như về kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu, cuối cùng, đã thống nhất việc lập kế hoạch 3 năm chỉ mang tính chất tham khảo như kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm.
Bên cạnh đó, theo ông Phương, còn một số vấn đề cần tiếp tục thảo luận, xin ý kiến. Ngoài quy định về cấp thẩm quyền quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn, hiện vẫn còn những băn khoăn về định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước, cũng như có nên tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hay không.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: