Hơn chục năm chỉ có 28 hộ dân
Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn Ia Pa trên nền diện tích 350 ha với dân số 4.000 người hướng đến năm 2015 đạt 7.000 dân và năm 2020 là 10.000 dân. Tổng mức đầu tư trên 320 tỷ đồng, mục tiêu xây dựng thị trấn phát triển, có vai trò thúc đẩy kinh tế xã hội của toàn huyện.
Tuy nhiên, đến nay “con số thật” về dân cư của khu trung tâm huyện chỉ có 28 hộ với khoảng 100 người dân sinh sống. Nhiều người cho rằng, do nhà máy nước liên tục hư hỏng, không đủ cấp nước cho đời sống sinh hoạt nên không ai muốn bám trụ lâu dài. Được biết, trước đây nhà máy nước được quy hoạch xây dựng trên 25 tỷ đồng nhưng do nguồn kinh phí “eo hẹp” nên rút xuống còn 5,8 tỷ đồng.
Hằng năm, trạm bơm này nhiều lần bị hỏng phải mang đi sửa chữa khiến nguồn nước bị cắt liên tục. Nguồn nước trạm bơm lấy từ sông Ba vốn đã kiệt dòng lại bị ô nhiễm nặng từ phía thượng lưu nên người dân rất ngại sử dụng. Nơi đây không đào giếng khoan được nên người dân cũng không mấy mặn mà.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho rằng, nước sinh hoạt không phải là lý do chính mà còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến “vắng dân”. Thứ nhất, do phần lớn cán bộ của huyện được đưa từ Ayun Pa vào, họ đã có nhà ở ngoài đó nên không muốn xây nhà ở trong này. Mặt khác, cán bộ trẻ có nhu cầu xây nhà nhưng chưa có điều kiện để xây. Đối với người dân, trước đây nhiều hộ đã vào đây sinh sống nhưng không kinh doanh được đành bỏ đi nơi khác. Cái chính khiến trung tâm ít dân cư là do vị trí quy hoạch không thuận lợi.
Quy hoạch… “cưỡng bức”
Năm 2010, Trung tâm huyện Ia Pa được công nhận là đô thị loại V với dân số 4.500 người, mật độ 1.406 người/km2, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khoảng 3.000 người. Thực tế Trung tâm huyện Ia Pa chỉ có chừng 100 người. Vậy trong 5 năm qua, hơn 4.000 người dân đi đâu - Đây liệu có phải là cách “đôn” dân nhằm tạo cú hích nhằm phát triển kinh tế, xã hội?
Nhiều người cho rằng, việc quy hoạch Trung tâm huyện Ia Pa có quá nhiều bất hợp lý, theo kiểu “cưỡng bức”. Theo đó, trung tâm huyện được xây dựng trên quả đồi, đoạn giáp ranh giữa hai xã Kim Tân và Ama Rơn với hình thái xây dựng khu hành chính trước, dân cư đến sau. Nhưng sau gần 14 năm thành lập trung tâm huyện Ia Pa vẫn chưa có chợ huyện, bến xe. Khu trung tâm không thu hút được dân - một trong những yếu tố chính để phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Hùng, chợ và dân cư thường hình thành trên cơ sở tự phát, nếu xây dựng hạ tầng rồi đưa dân vào thì rất khó. Nếu ban đầu tập trung đầu tư nguồn lực lớn, đồng bộ xây dựng các khu định cư, sản xuất công nghiệp… thì nay mọi thứ sẽ khác. Trước đây, lúc mới tách huyện đã có nhiều hộ dân đến mua đất, xây nhà nhưng do không kinh doanh được phải bỏ đi nơi khác.